Đề cao giá trị nhân văn, bản sắc văn hóa Việt Nam

Cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí 2015 - 2016 với chủ đề: “Ấn tượng đất nước - Con người Việt Nam” có chủ đề rất rộng, bao hàm nhiều nội dung; là cơ hội để các cây bút thể hiện bản lĩnh của mình, phản ảnh cuộc sống sôi động của đất nước và con người Việt Nam trong chặng đường gian nan và vinh quang đã trải qua, cũng như vị thế mới của nước Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng.

Cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí 2015 - 2016 với chủ đề: “Ấn tượng đất nước - Con người Việt Nam” có chủ đề rất rộng, bao hàm nhiều nội dung; là cơ hội để các cây bút thể hiện bản lĩnh của mình, phản ảnh cuộc sống sôi động của đất nước và con người Việt Nam trong chặng đường gian nan và vinh quang đã trải qua, cũng như vị thế mới của nước Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng.

Mới đây, tại Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, chỉ đạo: “Báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới; góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc. Phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc…”.

Nhà báo Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn báo SGGP - Chủ tịch HĐGK phát động cuộc thi.
Nhà báo Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn báo SGGP -
Chủ tịch HĐGK phát động cuộc thi.

Thực tế xã hội Việt Nam những năm qua còn tồn tại nhiều điều trăn trở: Môi trường văn hóa, ứng xử xã hội còn thiếu chuẩn mực, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn. Tình trạng nhập khẩu, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận người dân…

Cuộc thi khuyến khích có nhiều tác phẩm phản ánh, tôn vinh những tấm gương cao đẹp trong xã hội, vì cộng đồng, quê hương đất nước; góp phần đưa “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (Nghị quyết 9 BCH Trung ương Khóa XI).

Ở một khía cạnh khác, cảnh quan, thiên nhiên Việt Nam rất đẹp, thơ mộng và hùng vĩ, hoành tráng… trải dài từ Bắc vào Nam, từ miền cao đến đồng bằng, duyên hải, hải đảo là nhận xét và sự công nhận của khách du lịch, giới truyền thông quốc tế. Tuy nhiên việc nhìn nhận, quảng bá còn hạn chế, bạn bè quốc tế chưa thật sự biết, hiểu sâu giang sơn gấm vóc Việt. Cuộc thi là dịp để các nhà văn, nhà báo, giới cầm máy “khám phá” lại đất nước – xứ sở Việt Nam, ghi nhận những ấn tượng sâu đậm trên từng vùng đất, bản sắc từng dân tộc, để mọi người càng thêm tự hào quê hương đất nước, góp phần giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.

Đất nước Việt Nam không chỉ tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng mà còn có nhiều cảnh quan, nếp sống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Ẩm thực là một khía cạnh hấp dẫn, thú vị của đời sống văn hóa. Sách hướng dẫn du lịch thế giới đã đưa món Phở của Việt Nam vào danh sách 40 món ăn nên thưởng thức trước khi chết. Điều đáng tự hào là món Phở được đưa vào vị trí đứng đầu 40 món ăn này.

Thực tế Việt Nam không chỉ có món Phở ngon mà các món khác cũng ngon, mang đậm đặc trưng văn hóa vùng miền. Và thật đáng tiếc, đến nay chỉ có Nguyễn Tuân viết về món Phở, làm nó trở nên nổi tiếng, còn các món ăn khác chưa được các nhà văn, nhà báo khám phá với những bài viết hấp dẫn, độc đáo để đưa một món ăn bình dân trở thành đẳng cấp. Còn bánh mì kẹp thịt Việt Nam được Tạp chí du lịch Hoa Kỳ Condé Nast Traveler và Tạp chí National Geographic bình chọn là 1 trong 12 món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Hãng CNN thì bình chọn bánh xèo, bún chả là 1 trong 25 món ăn mùa hè hấp dẫn nhất thế giới…

Mới đây, Trang Huffington Post công bố 10 điểm đến trên thế giới du khách nên tham quan 1 lần trong đời; hang động Sơn Đoòng của Việt Nam được xếp vị trí thứ 5. Báo New York Times thì xếp hạng Sơn Đoòng vị trí thứ 8 trong danh sách 52 địa điểm hấp dẫn nhất trên thế giới mà mọi người phải đến. Chi phí cho 1 lần tham quan hang động này đến 3.000USD/người, nhưng tour du lịch đến Sơn Đoòng hiện nay đã kín chỗ đến hết năm, khách tham quan muốn khám phá phải đợi đến năm 2016.

Tháng 4-2009, Sơn Đoòng được được ông Howard Limbert, Trưởng đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, khám phá và công bố với thế giới, khẳng định Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới, với chiều rộng lên đến 250m, chiều cao có nơi 150m. Điều độc đáo là có một khu rừng nguyên sinh nằm cách mặt đất 400m vẫn còn tồn tại. Thực tế hang này được anh Hồ Khanh, một nông dân địa phương phát hiện năm 1991 khi đi tìm trầm.

“Một vũ trụ bị bỏ quên nằm ẩn mình trong một hệ sinh thái độc đáo. Điều này không được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh này - một “Chén thánh” của Tạo hóa còn lưu giữ trên trái đất” - các nhà khoa học nghiên cứu địa mạo trái đất phát biểu.

Cũng tại hội trường này, vào dịp kỷ niệm 30-4 năm nay, Hội Nhà báo, Hội Nhà văn và Báo SGGP đã làm Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Ký sự báo chí: “40 năm những ký ức không thể nào quên” và Phóng sự ảnh báo chí: “Thành tựu 40 năm thống nhất đất nước”, nhiều tác giả đã đề nghị mở cuộc thi mới, với chủ đề mới để gắn kết các cây bút, tay máy trong việc phản ánh, thể hiện đất nước - con người Việt Nam trong cuộc sống sôi động hôm nay.

Lúc đó, Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức chưa dám hứa vì điều kiện vật chất và thời gian chưa cho phép. Cuộc thi hôm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn (nhiều giải hơn) và giải thưởng các giải tăng cao so với cuộc thi trước.

Thay mặt Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, chúng tôi chân thành cảm ơn các đơn vị đã đồng hành cuộc thi: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Tập đoàn Vingroup; Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank); CTCP Đầu tư Lê Bảo Minh; Tổng Công ty Xây dựng Sài gòn - TNHH MTV (SGCC).

Cuộc thi đã mở ra, tạo “sân chơi” mới cho các tay bút, tay máy thể hiện suy tưởng của mình giãi bày qua trang báo về vận hội mới của đất nước và cuộc sống tinh thần nhân văn, giàu bản sắc của dân tộc Việt Nam. Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ nhận được rất nhiều tác phẩm hay của các văn nhân, nhà báo, giới nhiếp ảnh với những phát hiện mới về chủ đề này trên mọi miền đất nước hưởng ứng cuộc thi. 

Ban chỉ đạo:

- Ông Nguyễn Tấn Phong, Thành Ủy viên,Tổng Biên tập báo SGGP - Trưởng ban.

- Ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM - đồng Trưởng ban.

- Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký tòa soạn báo SGGP - Thường trực Ban chỉ đạo.

Hội đồng giám khảo (HĐGK):

- Nhà báo Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn báo SGGP - Chủ tịch HĐGK.

- Nhà báo Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Hội nhà báo TPHCM - đồng Chủ tịch.

- Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng TKTS báo SGGP -  Thành viên.

- Nhà văn Lê Văn Thảo, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Thành viên.

- Nhà văn Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - Thành viên.

- Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Đức Thành -  Thành viên.

- Nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn – Thành viên.

- Nhà báo Đào Tuấn Anh, Trưởng Ban VHVN báo SGGP - Thành viên.

- Nhà báo Đinh Thị Thu Hà, TKTS báo SGGP - Thành viên.

- Nhà báo Trần Thanh Hải, TKTS Phụ trách ĐTTC - Thành viên.

- Nhà báo Vũ Thái Bằng, Biên tập viên ảnh báo SGGP - Thành viên.

Các tin khác