Đam mê gốm sứ cổ

Khi nhắc đến tên tuổi những người đam mê sưu tầm cổ vật tại Việt Nam, cái tên Đinh Công Tường sẽ được nhiều người biết đến. Không chỉ bởi đam mê sưu tầm cổ vật của anh mà cả bởi tâm huyết giữ gìn nét đặc sắc văn hóa của đất nước.

Khi nhắc đến tên tuổi những người đam mê sưu tầm cổ vật tại Việt Nam, cái tên Đinh Công Tường sẽ được nhiều người biết đến. Không chỉ bởi đam mê sưu tầm cổ vật của anh mà cả bởi tâm huyết giữ gìn nét đặc sắc văn hóa của đất nước.

Cái duyên song hành đam mê

 Tìm đến con hẻm nhỏ ở phường Hiệp Thành, quận 12, tôi được anh đón rồi dẫn về nhà tham quan. Khác hẳn với những gì tưởng tượng trước khi gặp anh, Đinh Công Tường không có dáng vẻ đạo mạo, bảnh bao pha chút ngông nghênh như những tay chơi đồ cổ thường thấy.

Ngược lại, nhìn anh có nét chất phác, bộc trực. Sở hữu làn da rám nắng cùng tính cách phóng khoáng, sôi nổi, không khó để nhận thấy anh là người từng trải qua khá nhiều sóng gió. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn là khi bước vào nhà, khung cảnh trước mắt là một vườn cây cảnh với màu xanh ngút ngàn, bên cạnh đó ngôi nhà 2 tầng, phía sau là ngôi nhà gỗ cổ. Không gian rộng rãi được trang trí theo phong cách mộc mạc, giản dị và thanh bình như ở làng quê.

Trò chuyện với tôi, anh Tường cho biết mảnh vườn của anh rộng 2.000m2, trong đó, anh dành 1/2 diện tích trưng bày cổ vật sưu tầm được. Hàng chục ngàn món đồ gốm, sứ từ cái chén cho chó ăn đã sứt mẻ, bẩn thỉu đến cái bình to đùng, được trang trí với họa tiết tinh xảo. Tất cả đều được anh góp nhặt hơn 24 năm nay và cất giữ cẩn thận như kho báu. Mặc dù học hành ít vì gia đình không có điều kiện nhưng nếu nói về vốn kiến thức văn hóa cổ vật, phải khẳng định không mấy ai am hiểu nhiều bằng anh.

Chia sẻ về đam mê sưu tầm đồ cổ, anh Tường cho biết anh sinh tại Hà Nội trong một gia đình có ông bà nội ngoại đều yêu chuộng đồ cổ. Cũng vì thế, thú đam mê sưu tầm đồ cổ đã ăn sâu vào tâm trí anh từ nhỏ. “Hồi nhỏ, theo gia đình vào TPHCM lập nghiệp, lúc bên ngoại có giỗ, tôi ra Hà Nội thắp hương được bà ngoại tặng cho 1 cái tô và 1 cái đĩa cổ. Quan sát kỹ thấy những họa tiết trên đó được vẽ tinh xảo, mới nhìn đã mê mẩn. Tôi bắt đầu mê chơi đồ cổ từ đó và 2 kỷ vật đó luôn bên cạnh tôi đến tận bây giờ” - anh Tường cho biết.

Để theo đuổi được đam mê cho đến ngày nay, và trước tiên là mưu sinh, thời gian đầu Đinh Công Tường làm rất nhiều việc, từ thu gom rác, làm bồi bàn, buôn hoa quả… Cái duyên đưa anh đến với nghề trồng và chăm sóc cây cảnh, bon sai, gom góp được một ít vốn, anh quyết định đầu tư vào công ty buôn dây cáp với nhóm bạn. Khi có được ít lời, anh bắt đầu đi đến các vùng quê, từ Nam ra Bắc để tìm kiếm, gom góp gốm sứ thực hiện ước mơ. Không chỉ đi trong nước, anh Tường còn đi qua rất nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Campuchia… để kiếm những đồ lạ và độc. Đến nay, anh sở hữu hơn 100.000 món gồm chén, tô, đĩa, ché, bình… với nhiều cái niên đại từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 20.

Một góc đồ gốm sứ cổ. Ảnh: L.THẢO

Một góc đồ gốm sứ cổ. Ảnh: L.THẢO

Với tính cách phóng khoáng, vui vẻ, dễ gần, Đinh Công Tường được nhiều người quý mến. Nhờ vậy nhiều khi vô tình anh “vớ” được những món hàng cổ, độc hiếm ai có được. Chia sẻ với tôi, anh cho đó là cái duyên cần có để sống với đam mê sưu tầm cổ vật. Bởi nếu không có duyên, đôi khi gặp những món đồ mình yêu thích, dù có tiền nhưng chưa chắc người ta đã chịu bán hoặc có khi phải mất nhiều năm để năn nỉ. Còn nếu có duyên, nhiều khi còn được tặng không.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng như vậy. Khá nhiều lần anh Tường phải như một kẻ trộm, rình rập ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, thuyết phục, năn nỉ nhiều năm mới mua được một món đồ nhỏ xíu.

Anh Tường kể lại, trong chuyến đi Singapore năm 2012, suýt nữa anh phải hủy chuyến bay về nước vì mê đồ cổ. Anh được biết căn nhà nọ có một cái đĩa cực độc, cổ và đẹp. Vậy là cứ lân la dò hỏi để tìm mua nhưng nhiều lần không thành. Anh đã canh ở nhà ông đó 5 ngày trời mà không gặp, cứ đi làm đóng cửa kín mít. Đến cuối ngày thứ 5, khi chuẩn bị bỏ cuộc vì phải quay về nhà bạn ở cách đó khá xa để sáng sớm hôm sau bay về nước, chủ nhà mới xuất hiện. Lúc đầu ông này không định bán, cứ đội giá trên trời. Còn anh gấp quá, nhưng mê nên mới mua với giá cao.

“Cuối cùng cũng mua được, chủ nhà thấy mình nhiệt thành quá nên đã hạ giá, đó cũng là cái duyên. Có người bỏ rất nhiều tiền nhưng chưa chắc đã mua được món đồ mình muốn" - anh Tường chia sẻ thêm.

Ước mơ xây dựng bảo tàng đồ cổ

Một điểm đặc biệt của anh Tường là trước giờ anh không hề bán bất kỳ một món đồ cổ nào, chỉ có thêm chứ không bớt. Vì vậy mà hiện giờ trong nhà của anh, đi đến đâu cũng thấy đồ cổ, gốm sứ nằm la liệt, cũng chính vì thế anh được mọi người đặt cho cái tên Vua gốm sứ cổ. Anh tâm sự: “Tôi chẳng trừ đồ cổ, vật cổ nào, nhưng thích và sưu tầm nhiều nhất là đồ gốm, sứ. Cứ có thời gian rảnh tự lái xe đi sùng lục, vài ba tuần sau trở về trên xe lại  đầy đồ cổ rồi”.

Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao không có ý định bán đi một vài món để trang trải cuộc sống, anh cho biết mỗi món cổ vật dù lớn hay nhỏ, hư hỏng hay lành lặn đều gắn với một kỷ niệm, do vậy anh luôn trân quý từng món với một tình cảm đặc biệt. "Mua thì mất nhiều tiền nhưng khi trưng bày giá trị của nó không thể tính bằng tiền. Vì vậy tôi sẽ không bán bất cứ món nào" - anh khẳng định.

Đinh Công Tường bên bộ sưu tập. Ảnh: L.THẢO

Đinh Công Tường bên bộ sưu tập. Ảnh: L.THẢO

Với số lượng đồ cổ khổng lồ này, anh dự định sẽ mở quán cà phê trưng bày đồ cổ theo dạng bảo tàng tư nhân để cho những ai đam mê cổ vật, nhất là giới trẻ sau này có dịp chiêm ngưỡng, tìm hiểu và nghiên cứu để hiểu rõ hơn về lịch sử, đặc biệt là lịch sử nước nhà. Anh cho biết đây là ước mơ duy nhất của mình, anh đã dự định và có lên kế hoạch từ mấy năm nay.

Quán được mở ngay tại mảnh đất rộng 2.000m2 của anh. Anh không phân khúc đối tượng khách hàng vì muốn tất cả mọi người đều có thể đến tham quan và thưởng thức cà phê như nhau. Vì vậy, dự tính giá bán các loại thức uống ở mức bình dân, khoảng từ 8.000-20.000 đồng tùy loại.

Các tin khác