Cù lao “4 không”

Ở giữa cửa sông Hàm Luông nổi lên một cù lao xanh mướt, gọi là cù lao Đất (ấp An Bình thuộc xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Đất nước đang hướng đến mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, nhưng hiện nay nơi này vẫn là một cù lao “4 không”: không điện, không nước sạch, không trường học, không cơ sở y tế. Ông Nguyễn Văn Nhèm, trưởng ấp An Bình, cho biết: Trước đây là “5 không” vì không có đường giao thông, nhưng từ năm 2010 một tổ chức phi chính phủ đã tài trợ xây dựng được 2,2km đường bê tông, nên người dân bớt đi một cái “không” gây nhiều phiền toái suốt bao đời nay.

Ở giữa cửa sông Hàm Luông nổi lên một cù lao xanh mướt, gọi là cù lao Đất (ấp An Bình thuộc xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Đất nước đang hướng đến mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, nhưng hiện nay nơi này vẫn là một cù lao “4 không”: không điện, không nước sạch, không trường học, không cơ sở y tế. Ông Nguyễn Văn Nhèm, trưởng ấp An Bình, cho biết: Trước đây là “5 không” vì không có đường giao thông, nhưng từ năm 2010 một tổ chức phi chính phủ đã tài trợ xây dựng được 2,2km đường bê tông, nên người dân bớt đi một cái “không” gây nhiều phiền toái suốt bao đời nay.

Nỗi buồn cù lao

Từ đất liền tại xã An Hiệp, chúng tôi lên thuyền máy, đi 1,5km trên sông Hàm Luông ra cù lao Đất. Ông Nguyễn Văn Nhèm, trưởng ấp An Bình, cho biết: Cù lao Đất có diện tích 220ha, có 252 hộ, gồm 1.152 dân. Người dân cù lao sống bằng nghề nông như trồng lúa, mía… và nuôi tôm, đánh bắt thủy sản trên sông Hàm Luông.

Là đất cù lao nên diện tích đất trồng lúa của ấp chỉ có 180ha, mỗi năm làm được 1 vụ, năng suất 20 giạ lúa/1 công đất (1.000m2). Mấy năm gần đây, nhất là năm 2011 vừa qua, nước lụt dâng cao, có thời điểm ngập lút cả cồn khiến mọi người không gặt được lúa. Riêng gia đình ông Nhèm, vụ lúa vừa rồi thất thu 50%.

Còn về nuôi trồng thủy sản, nông dân ở đây nuôi theo hình thức quảng canh với mô hình “con tôm ôm cây lúa”, mỗi năm 1 vụ, thả giống từ tháng 1 và thu hoạch vào tháng 5, năm được mùa có thể đạt năng suất 200kg tôm/1 công đất, năm thất mùa chỉ thu hoạch bình quân chừng 80kg tôm/1 công.

Còn lại, người dân sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Thanh niên ở đây rời cù lao đi vào đất liền làm thuê, nhiều người lên tận TPHCM làm ăn. Theo ông Nguyễn Văn Nhèm, thu nhập trung bình của người dân cù lao Đất chỉ đạt 3,5-4 triệu đồng/người/năm.

Nhiều diện tích trồng lúa trên cù lao Đất đang bị chuyển thành ao nuôi tôm. 

Nhiều diện tích trồng lúa trên cù lao Đất đang bị chuyển thành ao nuôi tôm. 

Mưu sinh khó khăn đã đành, người dân cù lao Đất còn những nỗi buồn riêng. Cù lao Đất vẫn chưa có điện, ban đêm nhà nhà thắp đèn dầu như thuở xa xưa và chỉ biết ra bờ sông nhìn về phía ánh đèn sáng cả góc trời phía thị trấn trong đất liền thèm khát. Nước sạch chỉ là ước mơ xa xỉ, nếu không dùng nước sông lắng lọc phải chấp nhận tắm giặt, nấu ăn bằng thứ nước giếng khoan nhiễm phèn nặng.

Trẻ em trên cù lao này phải đi xa 3km (1,5km đi bằng thuyền trên sông) vào đất liền để đến trường. Vì vậy, các em học hết cấp 2 là một cố gắng lớn của phụ huynh. Ngay đứa con đầu của ông trưởng ấp, sau khi học hết cấp 2 cũng phải ở nhà phụ giúp gia đình làm ăn. Cả cù lao Đất có 1.152 dân nhưng chưa có cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe.

Lão nông Nguyễn Văn Minh ở xóm Rạch Miễu cho biết gia đình ông 5 người, có 1ha ruộng, 1 công đất trồng dừa và 6 công đất nuôi tôm quảng canh, nhưng thu nhập mỗi năm chỉ 20 triệu đồng. Đời sống khó khăn, người dân còn phải làm thêm nghề đánh bắt thủy sản, nhưng nguồn tôm cá trên sông đang cạn kiệt dần do nạn đánh bắt bừa bãi, thiếu kiểm soát.

An cư nhưng chưa lạc nghiệp

Theo các tài liệu nghiên cứu, nơi cao nhất của cù lao Đất  là 4m so với mặt nước biển. Ông trưởng ấp Nhèm chia sẻ, không biết hiện tượng nước biển dâng ở nơi khác như thế nào, nhưng từ các năm 2007, 2008 người dân cù lao đã cảm nhận được việc nước biển ngày một dâng cao.

Mỗi năm, đo được nước dâng lên một tấc (10cm). Năm ngoái, do sạt lở đất, chính quyền đã di dời 7 hộ dân, năm nay cũng đã phải di dời 5 hộ dân vào sâu bên trong cù lao. Tính đến nay, đã có 20 hộ di dời nhà từ cù lao vào đất liền. Nhiều hộ dân muốn di dời vào đất liền nhưng điều kiện kinh tế khó khăn nên đành “trụ” lại. Việc xây dựng đê bao cho cù lao Đất lâu nay chưa được ai đặt ra vì không có kinh phí.

Hiện nay ở cù lao Đất, việc nuôi tôm công nghiệp đang “nóng” lên. Hôm chúng tôi đến thăm, xóm cù lao vốn yên bình đang rền vang tiếng máy xúc, đào đắp vuông tôm, chuẩn bị cho vụ nuôi tôm công nghiệp. Đây không biết là điều đáng mừng hay đáng lo.

Mọi chuyện xuất phát từ năm 2010, khi anh Hùng - một người tốt nghiệp Trường Đại học Thủy Lợi ra cù lao nuôi tôm công nghiệp. Năm ngoái, anh Hùng nuôi tôm lãi 140 triệu đồng, năm nay lãi 180 triệu đồng. Thấy vậy, người dân lên “sốt” nuôi tôm công nghiệp và 50 hộ với diện tích trên 10ha chuyển sang mô hình này.

Đặc biệt, một số người ở địa phương khác đến đây thuê đất của những hộ nghèo để nuôi tôm, nên lợi nhuận từ con tôm người dân cù lao không hưởng được bao nhiêu. Ông Sáu Tăng, người dân cốt cựu của cù lao Đất, cũng bắt tay vào nuôi tôm công nghiệp, nhưng qua vụ đầu thấy nguy cơ lỗ vốn, đành cho thuê đất.

Nuôi tôm công nghiệp có giá trị kinh tế cao nên thu hút người dân, tuy nhiên việc đào ao, cải tạo đất đã tàn phá cảnh quan, môi trường, làm giảm diện tích trồng lúa. Về lâu dài, chưa ai biết ảnh hưởng đến môi trường ra sao.

Đi thuyền trên sông, nhìn bao quát thì cù lao Đất xanh mướt, bình yên với những người dân lam lũ mà mến khách. Nhưng phía sau những rặng dừa, vườn cây trái xum xuê đó lại ẩn chứa biết bao điều trăn trở. Cù lao Đất có tên hành chính là ấp An Bình nhưng xem ra chưa thật bình an.

Làm sao để đời sống của người dân phát triển mà vẫn bảo tồn được cù lao và với tốc độ nước dâng như dự báo, liệu 40 năm nữa cửa sông Hàm Luông có còn cù lao này? Mới nghĩ đến đây, tôi bỗng giật mình.

Các tin khác