Chuyện sau ngày 30-4

Sau ngày 30-4-1975, tôi bận rộn bao nhiêu việc, toàn những việc riêng tư: thăm bà con họ hàng, bạn bè cũ, viếng mồ mả đồng đội, thăm các bà má chiến sĩ và những gia đình đã nuôi giấu mình tình nghĩa còn hơn ruột thịt. Rồi tôi sực nhớ một chuyện, cũng riêng tư, muốn quên không thể quên: một thằng bạn cùng đi kháng chiến, cùng ở đơn vị, năm 1970 sang học ở Liên Xô, viết thư về nhờ tìm đứa con rơi.

Sau ngày 30-4-1975, tôi bận rộn bao nhiêu việc, toàn những việc riêng tư: thăm bà con họ hàng, bạn bè cũ, viếng mồ mả đồng đội, thăm các bà má chiến sĩ và những gia đình đã nuôi giấu mình tình nghĩa còn hơn ruột thịt. Rồi tôi sực nhớ một chuyện, cũng riêng tư, muốn quên không thể quên: một thằng bạn cùng đi kháng chiến, cùng ở đơn vị, năm 1970 sang học ở Liên Xô, viết thư về nhờ tìm đứa con rơi.

Chuyện là như vầy. Năm 1969, tham gia cuộc tổng tấn công ở Sài Gòn về, tôi và Quân đến Tổng đội Thanh niên xung phong làm tờ tin - tờ báo nội bộ của Tổng đội, viết về hoạt động của các liên đội, những chuyến tải thương tải đạn, những tấm gương dũng cảm, chân dung các cô gái chịu thương chịu khó lao động hăng say. Chúng tôi làm việc bù đầu, ngày đi viết bài, tối về đánh máy in roneo...

Tổng đội Thanh niên Xung phong có cả mấy ngàn cô gái nhưng chúng tôi không mấy khi gặp mặt, chỉ thấy loáng thoáng trong các cuộc hội nghị tổng kết. Vậy không biết thằng Quân gặp cô nào, ở đâu, khi nào. Sau đó nó ra Bắc, rồi đi học ở Liên Xô, viết thư về nói chuyện có quan hệ với một cô gái, cô báo có thai, không biết trai hay gái, nhờ tôi tìm giùm.

Đúng là chuyện bá láp. Là tôi nói chuyện yêu đương của chúng nó. Tôi không ưa chuyện trai gái lăng nhăng, nhất là hoàn cảnh trong rừng, bom đạn gian khổ. Nhưng đứa con lại là chuyện khác. Con cái sinh ra là điều đẹp đẽ thiêng liêng. Tôi muốn gặp đứa nhỏ. Tôi hình dung nó sinh ra trong rừng, theo mẹ đi tải gạo tải đạn, 2 tuổi đi lẫm chẫm, 3 tuổi biết đi hái nấm, tự ngủ võng, 4 tuổi nghe tiếng máy bay biết nhảy chun hầm. Giờ đây đã 5 tuổi, về thành phố thấy cái gì cũng lạ lẫm. Tôi muốn gặp nó cầm tay nói: “Chú đây, chú ở trong rừng với cháu đây!”.

Cô gái của thằng Quân tên Hằng, chỉ biết tên không biết họ, cái thằng tệ như vậy đó. Đành vậy thôi, tôi phải làm cho xong công việc trời đày này. Tôi quen hầu hết các anh trong tổng đội, các liên đội cũng quen, không ít các anh đang ở trong thành phố, tìm hỏi cũng dễ thôi. Nhờ vậy, tôi được biết trong tổng đội có 4 cô tên Hằng, một số ở thành phố, số kia về quê, hôm rồi trong cuộc họp mặt nhận huân chương các cô đều để lại tên họ địa chỉ.

Có địa chỉ trong tay rồi nhưng phải đến năm sau tôi mới bắt đầu đi tìm, từng cô một. Không thể gặp thằng Quân để bàn bạc, tự tôi quyết định tất cả, chuyện vãn dò la ra sao, như chuyện của tôi vậy. Tôi tìm cô Hằng ở thành phố, nhà bên kia cầu chữ Y, trong một xóm lao động, các con hẻm ngoằn ngoèo chằng chịt. Lội tìm cả buổi mới đến một căn nhà lụp xụp mái tôn vách giấy cạc-tông, sàn nhà chồm ra ngoài con rạch nước đen thui. Tôi hỏi người phụ nữ tên Hằng, nữ thanh niên xung phong trong chiến tranh.

Hằng ra tiếp tôi, tuổi trên 30 tóc thưa, nước da màu vàng nghệ của người bị sốt rét lâu năm. Cô bồng đứa nhỏ trên tay. Đứa nhỏ chỉ hơn một tuổi. Nhà không có bàn ghế, cô ngồi trên giường với đứa nhỏ, tôi ngồi trên chiếc thùng gỗ. Tốt nhất chưa nói chuyện riêng tư, hỏi han chung chung coi thế nào. Tôi nói được tổng đội giao cho viết tập “Thanh niên xung phong thời chống Mỹ” nên đi gặp chị em hỏi chuyện.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cô nhìn tôi đăm đăm, hỏi tôi có xuống tổng đội hồi trong rừng phải không? Tôi nói có. Cô lại hỏi tôi đi cùng với một người nữa phải không? Tôi nói phải, trong bụng hơi nghi nghi. Nhưng nghĩ bụng nếu có đứa nhỏ thì không phải đứa này. Bắt chuyện với cô, tôi mới biết cô nghỉ trước năm 1975, sức khỏe yếu, không chồng con. Thằng nhỏ là con đứa em trai. Vậy là không có đứa con nào ở đây. Tôi ra về.

Cô Hằng thứ hai ở Mỹ Tho, nên tôi phải đi xe lam, chung với mấy bà buôn lậu gạo, những phụ nữ của xứ sở lúa gạo cột bó từng lon gạo trong mình, dưới ống chân. Rồi tôi cũng tới nơi, địa chỉ là ủy ban xã, người tiếp là đồng chí chủ tịch. Cũng đúng thôi, Thanh niên xung phong là lực lượng nữ nòng cốt trong kháng chiến. Hằng và tôi ngồi đối diện, như họp giao ban, có thư ký ngồi bên. Tôi trình bày nội dung tập kỷ yếu tôi tưởng tượng ra, tập hợp chân dung những thanh niên xung phong thành đạt.

Hằng kể chuyện, như sao lý lịch trích ngang, báo công. Cô vào thanh niên xung phong từ những ngày đầu, từ cô gái vác đạn lên làm liên đội phó, tương đương chức vụ tiểu đoàn phó trong quân đội. Sau năm 1975 địa phương xin cô về, cần có cán bộ bổ sung vô huyện ủy, sau giải phóng chỗ nào cũng thiếu cán bộ lãnh đạo. Tôi hỏi: Chuyện chung là như vậy, chuyện riêng thế nào? Cô hỏi chuyện riêng gì?

Tôi nói thí dụ như chuyện gia đình, chồng con. Cô nói chuyện riêng của cô cũng là chuyện chung: cô và anh liên đội trưởng sau nhiều năm tìm hiểu, được sự chấp thuận của tổ chức, hứa hôn trong chiến tranh, cưới nhau sau ngày hòa bình, hiện có đứa con 1 tuổi. Tôi ghi chép tất cả, cho tập kỷ yếu tưởng tượng, không phải cho chuyện thằng bạn. Rồi ra về.

Cô Hằng thứ ba là một cô gái bặm trợn, bốp chát, thay đổi chỗ ở lung tung. Tôi theo địa chỉ ở thành phố để lại trong cuộc họp, người nhà nói cô về quê rồi. Bà con ở quê lại cho hay cô đã trở lên thành phố. Cuối cùng tôi tìm thấy cô đang làm việc ở trại trẻ mồ côi, đang đấu tranh để trại có được trường học riêng, có thêm bệnh viện càng tốt. Cả cuộc đời cô là một chuỗi những cuộc đấu tranh.

 Ngày đầu vô tổng đội cô đã phát biểu: “Tổng đội hầu hết là nữ, nhưng ban chỉ huy tổng đội, các liên đội đều là nam. Tại sao? Nam nữ bình quyền ở đâu?”. Không ai trả lời cô cả. Ở trại trẻ mồ côi, tuy không có chức vụ gì cô cũng có phòng riêng, cạnh phòng giám đốc. Cô tiếp tôi ở đó, kể chuyện có lần cô phải đấu tranh dai dẳng. Có đôi trai gái yêu nhau nhưng lãnh đạo không chấp thuận.

Đang chiến tranh, chỉ có chiến đấu, chuyện yêu đương gác sang một bên. Yêu đương là “hủ hóa”. Thanh niên sinh hoạt múa hát phải cầm thanh tre, không được nắm tay nhau. Cô lên gặp ban chỉ huy nói: “Có luật nào cấm không cho người ta thương nhau không? Ai cấm? Dám ký tên vô đây không?”. Không ai ký tên cả, thò đầu ra cũng không dám. Nhưng luật vẫn là luật, đôi trai gái vẫn bị kỷ luật, cảnh cáo ghi lý lịch. Họ vẫn tiếp tục yêu nhau, chung thủy suốt cuộc kháng chiến, hòa bình làm đám cưới, sinh được đứa con, tờ giấy kỷ luật vẫn còn giữ.

Tôi lái sang chuyện khác, kêu cô kể chuyện riêng. Được thôi, cô đáp. Cô cũng có anh người yêu, bộ đội đơn vị cô thường phối thuộc, đôi bên qua lại gặp nhau vài ba lần. Sau thấy cô dữ quá anh chàng lảng đi. Cô cũng không cần. Tới giờ cô vẫn sống một mình, dành hết tình thương cho đám trẻ mồ côi. Tôi ra về, hẹn có dịp trở lại viết về trẻ mồ côi.

Cô Hằng thứ tư, người cuối cùng, tính kín đáo, không kể chuyện mình lại hỏi chuyện tôi, hòa bình rồi làm gì, vợ con thế nào. Rồi hỏi sang chuyện Quân, qua Liên Xô học hành ra sao. Cô biết nhiều chuyện về Quân khiến tôi ngạc nhiên. Nhưng cô nói đương nhiên thôi, chúng tôi là những người có chữ nghĩa đáng được ngưỡng mộ, các cô chỉ là những cô gái tải gạo, vác đạn. Tôi nói tôi không tin chuyện ngưỡng mộ, chắc có chuyện riêng tư gì đó. Cô đành thú thật: có lần Quân hỏi chuyện cô, viết bài về cô trên tờ tin, đời cô chỉ lóe sáng lần đó, cô mang ơn Quân không thể nào quên.

Cô 2 lần suýt lấy chồng, nhưng người bị bom chết trong rừng, người sau này vượt biên đi mất. Hiện cô sống với mẹ già phải nuôi, không hy vọng lấy được chồng, đang tính xin đứa cháu dưới quê làm con nuôi. Chuyện cô thật cảm động, nhưng không dính líu gì tới đứa con của Quân. Vậy là sau khi tìm gặp cả 4 cô Hằng, tôi vẫn không thấy người cần tìm. 6 năm trôi qua. Một hôm tôi nhận được điện thoại của một người xưng tên Hằng, người của tổng đội, muốn gặp tôi. Hóa ra còn một cô Hằng nữa, cô Hằng này nghe các cô Hằng kia kể chuyện nên điện hỏi chỗ tổng đội, rồi điện cho tôi. Tôi đi ngay. Cô tiếp tôi không hỏi han gì, để cho tôi nói một hồi rồi hỏi:

- Anh tìm tôi phải không? Đi đã đời rồi phải không? Nhưng anh tìm làm chi?

- Tôi tìm đứa con - tôi đáp.

- Đứa con nào?

- Không biết… Chuyện lâu rồi… Quân nói hồi trong rừng…

- Không có đâu - Hằng cười - Tôi giận Quân nói vậy thôi. Tôi có thai đâu mà đẻ. Nhưng đừng tưởng đàn ông mấy anh muốn làm gì thì làm, hứa hươu hứa vượn rồi bỏ đi. Anh Quân ra Bắc tôi cũng ra Bắc, đi Liên Xô tôi cũng đi Liên Xô. Gặp tôi, anh ấy hỏi con đâu? Tôi nói con đâu mà con, anh muốn có con thì vác mặt về nước…

Hằng cho biết do mẹ bệnh nên cô phải về nước trước, năm sau Quân sẽ về. Tôi nghe vậy đủ rồi. Nghĩ mà xót xa! Chúng tôi những người có chữ nghĩa, xuống tổng đội làm tờ tin viết những bài gây xôn xao “Một chân dung đẹp”, “Nữ thanh niên xung phong, cô là ai?”. Tưởng đâu hiểu biết tất cả, thật ra chỉ lợt xợt bên ngoài, đi lông bông tận trời Tây bị cô gái đi theo nắm đầu lôi lại…                                                                                                           

Tháng 4-2011

Các tin khác