Bẫy tôm hùm

Hiện nay, tại một số làng ven biển miền Trung, săn tôm hùm giống để bán cho người nuôi tôm hùm thịt đang hút nhiều ngư dân do có thu nhập rất cao. Có nhiều cách để săn tôm hùm giống, như lặn, giăng lưới, dùng đèn nê-ông… nhưng độc đáo nhất phải kể đến nghề bẫy tôm hùm giống.

Hiện nay, tại một số làng ven biển miền Trung, săn tôm hùm giống để bán cho người nuôi tôm hùm thịt đang hút nhiều ngư dân do có thu nhập rất cao. Có nhiều cách để săn tôm hùm giống, như lặn, giăng lưới, dùng đèn nê-ông… nhưng độc đáo nhất phải kể đến nghề bẫy tôm hùm giống.

Làng bẫy tôm

Tôm hùm loại lớn đang được bán với giá cả triệu đồng/con.

Tôm hùm loại lớn đang được bán với giá cả triệu đồng/con.

Tôm hùm đang là loài thủy hải sản ăn khách. Người ta sẵn sàng mua tôm hùm với giá cả triệu đồng một con. Do ở nước ta chưa thể cho sinh sản nhân tạo được tôm hùm giống, nên tất cả tôm hùm nuôi hiện nay đều có nguồn giống từ tự nhiên. Để tìm hiểu về nghề bẫy tôm hùm, chúng tôi về làng Cát Lợi, xã Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tìm gặp anh Nguyễn Văn Vinh, một chuyên gia trong việc bẫy tôm hùm giống, và theo anh ra biển.

Anh Vinh cho biết hiện nay gần như cả làng Cát Lợi đều tham gia bẫy tôm hùm, mọi người đều hì hụi đục giũa chế tạo bẫy. Những hòn đá, tảng san hô chết dưới đáy biển được ngư dân lấy về, khoan những lỗ nhỏ sâu chừng 8-10cm, đường kính 0,6cm, tạo thành những cái hang nhỏ làm chỗ trú ẩn cho tôm hùm con, đây cũng chính là bẫy để bắt tôm hùm giống. Sau đó, ngư dân lại mang bẫy này thả xuống biển, có dây cột vào phao để thuận tiện khi muốn kéo lên.

Tôm hùm giống chỉ xuất hiện ở một số vùng biển ở nước ta, trong đó có Khánh Hòa. Bắt đầu từ Tết Nguyên đán cho tới tháng 5 hàng năm, tôm hùm mẹ vào các bãi san hô, đá ngầm ven bờ đẻ trứng - do nơi đây sóng yếu, nhiều tảo có thể nuôi sống tôm con. Đó chính là lúc ngư dân làm bẫy để săn tôm hùm giống. Hiện nay, một con tôm hùm con bé như đầu que nhang được bán với giá chừng 100.000-120.000 đồng tùy theo chất lượng. Vì giá tôm giống cao như vậy nên mùa này nhiều ngư dân ở các địa phương ven biển của tỉnh Khánh Hòa như Nha Trang, Cam Ranh, Cam Lâm, Vạn Ninh… đổ ra biển bẫy tôm hùm giống.

Theo anh Vinh đi bẫy tôm hùm giống, chúng tôi thực sự bất ngờ khi thấy đây là việc rất đơn giản. Chỉ việc ngồi trên thuyền, cách khoảng vài trăm mét anh Vinh lại thả những chiếc bẫy bằng đá san hô xuống. Sau đó, anh lên bờ ngồi châm điếu thuốc rồi bảo: “Bây giờ chỉ cần ngồi đợi tôm con chui vào ngủ, chừng nửa đêm sẽ kéo bẫy lên. Với hơn 200 bẫy vừa thả, chỉ mong được 20 con là tốt lắm rồi”.

No đủ nhờ bẫy tôm

Trong khi chờ kéo bẫy, anh Vinh kể: “Nghề bẫy tôm hùm này bắt đầu xuất hiện ở làng Cát Lợi chừng 10 năm nay. Đến nay, đã thành nghề truyền thống của làng bên cạnh nghề đi biển. Từ ra giêng trở đi hầu như cả làng đều đi bẫy tôm. Làng có hơn 1.000 lao động, trong đó có tới 80% theo nghề săn tôm hùm giống vào mùa cao điểm, bởi công việc khá đơn giản, lại ít vốn. Ngay cả trẻ còn đi học cũng tranh thủ đặt ít bẫy để kiếm thêm tiền mua sách vở phụ ba mẹ. Chỉ thả chừng năm bảy chục chiếc bẫy, nếu may mắn, có thể kiếm được cả triệu đồng một ngày. Ở đây, nhiều hộ ăn nên làm ra, xây nhà, sắm đồ dùng đắt tiền đều nhờ đi bẫy tôm”.

Hàng năm, cứ đến mùa này, các lái buôn tôm hùm giống khắp nơi lại đổ về làng Cát Lợi, ngồi ở các quán nước  đợi ngư dân mang đến bán tôm hùm giống vừa bẫy được. Bẫy tôm hùm dễ và tiêu thụ cũng dễ, tuy nhiên, do người khôn nên của khó, đến nay bị nhiều người săn bắt nên nguồn tôm giống khan hiếm dần, không còn đơn giản đặt bẫy xuống là có tôm chui vào. Ngư dân phải đi thuyền ra các rạn san hô xa hơn.

Nghề bẫy tôm cũng chỉ làm thời vụ, đến khoảng tháng 6 là hết, vì lúc đó biển động, tôm mẹ không vào sinh sản nữa. Những chiếc bẫy này lại nằm bờ phơi mưa nắng, đợi vụ tôm sang năm.

Các tin khác