“Báu vật nhân văn” & cung cách ứng xử

Việt Nam - đất nước văn hiến - tổ tiên đã để lại cho cháu con nhiều di sản vật thể và phi vật thể đặc sắc. Nhưng việc bảo tồn, phát huy những di sản quý báu đó như thế nào trong cuộc sống đương đại đang đặt ra cho chúng ta những thách thức không nhỏ. Vì thế cần phải hành động gấp để di sản không bị mai một, biến chất, trước khi những “báu vật nhân văn” sống vĩnh viễn chia tay chúng ta không bao giờ trở lại.

Việt Nam - đất nước văn hiến - tổ tiên đã để lại cho cháu con nhiều di sản vật thể và phi vật thể đặc sắc. Nhưng việc bảo tồn, phát huy những di sản quý báu đó như thế nào trong cuộc sống đương đại đang đặt ra cho chúng ta những thách thức không nhỏ. Vì thế cần phải hành động gấp để di sản không bị mai một, biến chất, trước khi những “báu vật nhân văn” sống vĩnh viễn chia tay chúng ta không bao giờ trở lại.

1. Cuối tháng 6-2006, khóa họp đầu tiên của Đại hội đồng các nước thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) diễn ra tại Paris (Pháp), với sự tham dự của 45 nước thành viên. Kết thúc khóa họp, chủ tịch Đại hội đồng đã công bố danh sách 18 quốc gia thành viên trúng cử vào Ủy ban Liên chính phủ bảo vệ DSVHPVT, trong đó có Việt Nam.

Như vậy, Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có chân trong Ủy ban Liên chính phủ bảo vệ DSVHPVT. Tuy nhiên, điều bức xúc hiện nay là sau khi “chạy” xong danh hiệu thì hớn hở ăn mừng, rồi để mặc nó ra sao thì ra. Bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT như thế nào, làm sao để DSVHPVT có thể “chung sống” với thời đại công nghệ… đang là câu hỏi khó chưa có lời giải.

Hơn 5 năm trước, một nghiên cứu về người Tà Ôi được xem là nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần của một tộc người cụ thể. Hiện có khoảng 26.000 người Tà Ôi sống tập trung ở Bắc dãy Trường Sơn. Cuộc sống vật chất rất cực khổ nhưng đời sống tinh thần, văn hóa của buôn làng đã nâng đỡ con người nơi đây vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Mỗi làng Tà Ôi đều có ngôi nhà chung để hội họp. Thanh niên nam nữ tự do tìm hiểu qua tục đi "sim" tình tự nơi chòi rẫy. Người Tà Ôi có bộ nhạc cụ của riêng mình, với nhiều loại trống, chiêng, xập xõa, đàn atoong, amprây… Qua nghiên cứu này, người ta nhận ra rằng yếu tố tinh thần trong cuộc đời mỗi con người, số phận mỗi cộng đồng vô cùng quan trọng.

Nếu không có những tập tục lề thói, những tiếng đàn tiếng hát, không có tục trai gái tìm đến với nhau theo quy ước truyền thống, không có những nghi lễ thờ cúng thần thánh trời đất, cúng bái ông bà tổ tiên, không có các lễ hội… họ không thể tìm được sự cân bằng để tồn tại trước cuộc sống vật chất thiếu thốn, thổ nhưỡng không thuận lợi.

Từ đó, một thông điệp được phát đi như một lời cảnh báo: Nếu chúng ta quá chạy theo những giá trị vật chất mà bỏ qua giá trị tinh thần, chỉ nhìn thấy và ghi nhận những gì sờ nắm được mà không cảm được những gì ẩn khuất di dưỡng tâm hồn, thì con người sẽ không có chỗ dựa để vượt lên hoàn cảnh.

Những DSVHPVT phải được tôn trọng, biến chúng thành “thức ăn” nuôi dưỡng đời sống tinh thần của mỗi một con người, mỗi cộng đồng.

Cụ Trần Hải, nghệ nhân dân gian 101 tuổi ở xã Diễn Liên (huyện Diễn Châu, Nghệ An) với cây đàn đáy.

Cụ Trần Hải, nghệ nhân dân gian 101 tuổi ở xã Diễn Liên
(huyện Diễn Châu, Nghệ An) với cây đàn đáy.

2. Trong thời gian chuẩn bị Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, PGS.TS Võ Quang Trọng (Bảo tàng Dân tộc học) đã đưa ra cảnh báo nếu các DSVHPVT không được đánh giá đúng mức sẽ dẫn đến việc ứng xử không thấu đáo. DSVHPVT rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất nhanh chóng.

Theo ông, văn hóa phi vật thể tồn tại trong trí nhớ một số người được gọi là nghệ nhân hay còn gọi là “báu vật nhân văn sống”. Bởi vậy, bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT cũng có nghĩa là bảo vệ người kế thừa di sản văn hóa - những nghệ nhân dân gian.

Tiếc thay những “bảo tàng sống”, những “báu vật nhân văn” ấy ngày càng ít đi trước khi chúng ta kịp khai thác và họ cũng không có cơ hội truyền lại cho thế hệ sau những hiểu biết và tâm niệm của mình. Như nghệ thuật hát ca trù đã dần rơi vào quên lãng khi các đào nương nổi tiếng lần lượt ra đi.

Cách đây chưa lâu, người cầm chầu cuối cùng (ông Ngô Linh Ngọc) cũng đã nhắm mắt xuôi tay. Người chơi đàn đáy cổ nhất cũng về nơi chín suối. Các đào nương, kép đàn bây giờ học người xưa không được mấy, thế là tự “chế”, lai ghép chỗ này một ít, chỗ kia một ít làm cho ca trù biến dạng. Vào những tối cuối tuần, trên con phố đi bộ (Hàng Ngang-Hàng Đào) của Hà Nội có một “ban nhạc giả mù” ngồi hát xẩm.

Đó cũng là một nỗ lực duy trì và phát huy lối hát độc đáo này. Nhưng liệu đó có phải là xẩm thật, khi các bản được dàn dựng, phối khí mới toanh? Có bản xẩm còn được phối bè cao, bè thấp, không khác gì một bản nhạc pop.

Theo PGS. Nguyễn Thụy Loan, phải coi trọng việc bảo tồn nguyên dạng các giá trị DSVHPVT. Bởi chỉ khi nắm vững bản chất, đặc trưng và những nguyên tắc nghệ thuật của những di sản văn hóa, chúng ta mới có thể giữ được bản sắc dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa hiện nay.

TS. Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) cho rằng cần phải tiếp thị di sản văn hóa như một loại công cụ hữu hiệu để góp phần tôn vinh di sản văn hóa dân tộc, nhưng không làm hỏng bản chất, tinh thần của di sản. Còn PGS.TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa - Nghệ thuật), lưu ý nên nhìn nhận các giá trị văn hóa phi vật thể như một sản phẩm. Đã là sản phẩm phải có sức cạnh tranh.

Nhưng nếu Nhà nước không ra tay cứu giúp, khó có tư nhân bỏ tiền ra cưu mang một đoàn nghệ thuật truyền thống, hoặc nuôi một nghệ nhân cụ thể. Ông Phạm Đức Hân, Giám đốc CTCP Bảo tồn văn hóa Việt, nói: "Tôi đã nhiều lần tiếp cận các công ty du lịch để biến làng Đặng Xá trở thành một điểm trong tour của họ nhưng đều thất bại. Các công ty du lịch thường có tâm lý ăn sẵn, chỉ chọn địa chỉ văn hóa nào đã nổi tiếng, đã có thương hiệu".

Bà Nguyễn Thị Kim Quýnh, Chủ nhiệm CLB Quan họ Đặng Xá, cho biết tháng 9-2009, Quỹ Ford “tạm biệt” Hà Nội, cánh cửa để các nghệ nhân tiếp cận nguồn hỗ trợ đã đóng lại. Theo bà Quýnh, CLB này nhận được tài trợ từ Quỹ Ford để mở lớp dạy truyền khẩu quan họ gốc cho các em nhỏ.

“Nhưng chúng tôi rất khó khăn trong việc tìm các cháu theo học các lớp này” - bà Quýnh nói. Như vậy, ngoài chuyện thiếu tiền, chúng ta đang thiếu những người dám dấn thân với văn hóa truyền thống.

Hoặc ngay sau khi quan họ và ca trù được UNESCO công nhận là DSVHPVT của nhân loại, chúng tôi hỏi nghệ nhân ca trù nổi tiếng, bà Nguyễn Thị Chúc: "Mấy hôm nay chắc nhà bà nhiều khách đến chúc mừng". Cụ ca nương cười móm mém: "Có ai đâu, mọi người còn bận nhiều việc".

Hóa ra, niềm vui quan họ và ca trù được công nhận chỉ làm rộn ràng các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan quản lý chứ chưa đến cửa những người đang nắm giữ linh hồn của di sản.

Một đời gắn với ca trù, phần thưởng duy nhất bà Chúc nhận được là danh hiệu Nghệ nhân dân gian do Hội Văn nghệ dân gian phong tặng năm 2006. Những khoản trợ cấp hàng tháng, những lời thăm hỏi vào dịp lễ tết mà một "báu vật nhân văn" sống như bà đáng được hưởng đều… không có.

Các tin khác