Bảo tàng tư nhân

Phần lớn bảo tàng tư nhân hiện vẫn chưa có doanh thu hoặc nằm trong tình trạng bù lỗ nhưng nhiều nghệ nhân vẫn tiếp tục duy trì và đầu tư thêm. Không những thế, thay vì sưu tầm, cất giữ để tự mình chiêm ngưỡng, gần đây nhiều nghệ nhân chơi đồ cổ đã mở lòng  đưa những gì mình sưu tập ra giới thiệu cho công chúng.

Phần lớn bảo tàng tư nhân hiện vẫn chưa có doanh thu hoặc nằm trong tình trạng bù lỗ nhưng nhiều nghệ nhân vẫn tiếp tục duy trì và đầu tư thêm. Không những thế, thay vì sưu tầm, cất giữ để tự mình chiêm ngưỡng, gần đây nhiều nghệ nhân chơi đồ cổ đã mở lòng  đưa những gì mình sưu tập ra giới thiệu cho công chúng.

Niềm đam mê

Chưa tìm được người đủ am tường các cổ vật trong bộ sưu tập của mình, anh Phi Long, chủ khu du lịch Thiên Đàng - Chu Lai resort (nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam) phải tự làm hướng dẫn viên cho du khách.

Nằm chơi vơi trong khu resort, ít ai có thể tưởng tượng được nơi đây có một bảo tàng tư nhân quy mô khá lớn. Nào là súng ống xưa, tiền cổ, sản vật, thậm chí cả một ngôi nhà của một vị nữ tướng xưa cũng có mặt trong bộ sưu tập này. Anh Long đam mê đồ cổ từ thời trai trẻ.

Thời đó hầu như có bao nhiêu tiền dành dụm được, anh đều phục vụ cho đam mê đồ cổ của mình. Tất cả cổ vật ở đây do anh đã cất công sưu tầm suốt hơn 30 năm. Gần đây, bên cạnh niềm đam mê là nhu cầu kinh doanh lĩnh vực khu du lịch của mình, nên anh quyết định đầu tư một bảo tàng trong khu resort.

Anh Long cho biết, bảo tàng mở cửa phục vụ miễn phí, qua đó giúp dân địa phương, du khách có điều kiện chiêm ngưỡng, tìm hiểu những giá trị văn hóa cổ xưa. Khi được tin anh Long làm bảo tàng tư nhân, bạn bè anh đã tặng một số lượng khá lớn cổ vật.

 Anh Phi Long giới thiệu với du khách lịch sử đạn thần công.

Anh Phi Long giới thiệu với du khách lịch sử đạn thần công. 

Là người không có chuyên môn hướng dẫn, nên trong phần thuyết minh cho khách tham quan anh không giấu được niềm tự hào về khu bảo tàng của mình. Trong thực tế, bảo tàng tại khu du lịch Thiên Đàng - Chu Lai resort được nhiều doanh nghiệp lữ hành đánh giá cao. Cả khu bảo tàng rộng gần 5ha, có nhiều khu trưng bày lớn.

Trong đó giới thiệu gần 250 cổ vật gốm sứ thuộc nền văn minh sông Đồng Nai, niên đại 4.500 năm thuộc thời đại kim loại, bao gồm đồ gốm và đồ trang sức bằng kim loại quý. Ngoài ra, có hơn 1.000 cổ vật khác được trưng bày tại các khu nhà riêng được xác định là di vật thời Hậu Lê, Lý, Mạc, Thuận Hóa, Tây Sơn…

Đặc biệt, ở đây có khu vực trưng bày hơn 2.000 cổ vật Chăm rất ấn tượng. Theo anh Long, tại bảo tàng có những cổ vật đáng giá hàng chục triệu USD. Để khách tham quan được ngắm gần nhất, chân thật nhất, những cổ vật chịu được mưa nắng anh Long đều cho trưng bày ngoài sân, đây là điều hiếm bảo tàng nào thực hiện được.

Hiện nay nhiều địa phương khác cũng xuất hiện bảo tàng lớn của tư nhân. Như tại Thanh Hóa, bảo tàng Hoàng Long là kết quả của hơn 20 năm sưu tầm cổ vật liên quan đến nền văn hóa Đông Sơn, đồ gốm, sành sứ từ đời nhà Lý đến nhà Nguyễn của ông Hoàng Văn Thông - một doanh nhân ngành xây dựng.

Bảo tàng có 5.600 di vật, cổ vật trưng bày trong diện tích hơn 3.000m2. Hay bảo tàng tư nhân của ông Nguyễn Vĩnh Hảo ở Quy Nhơn với 1.300 hiện vật gốm Gò Sành của người Chăm. Trong bộ sưu tập của ông Hảo có hiện vật đất nung tượng thần Brahman, Vishnu, Siva, tu sĩ, bò thần Nadin, phù điêu, mặt nạ (kala)...

Một trong số bảo tàng tư nhân tại nước ta được nhiều người viếng thăm là Bảo tàng Cội Nguồn tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Anh Huỳnh Phước Huệ, chủ nhân Bảo tàng Cội Nguồn, là người rất đam mê sưu tầm và muốn thông qua hiện vật trưng bày để quảng bá quê hương mình.

Anh Huệ kể: “Khi còn là hướng dẫn viên du lịch ở Phú Quốc, tôi nhận thấy nhiều cổ vật quý giá ở địa phương không được bảo quản chu đáo, nên tôi bắt đầu sưu tầm, lưu giữ kỹ lưỡng. Sau hơn 15 năm miệt mài sưu tầm, bỏ ra nhiều công sức và tiền của, năm 2009 bảo tàng Cội Nguồn ra đời”.

Hiện nay Bảo tàng có gần 3.000 hiện vật, trong đó có gần 2.000 cổ vật quý hiếm. Phần chính của bảo tàng Cội Nguồn là gian nhà 1.200m2 trưng bày hiện vật, cổ vật về Phú Quốc.

Hướng đến chuyên nghiệp

Mặc dù có nhiều cổ vật và lượng khách tham quan không ngừng tăng, nhưng các bảo tàng tư nhân vẫn gặp không ít khó khăn. Anh Huỳnh Phước Huệ cho biết, hiện nay ngoại trừ du khách, tất cả người dân địa phương đều được tham quan bảo tàng bảo tàng Cội Nguồn miễn phí.

Vì thế, doanh thu không đủ bù cho hoạt động của bảo tàng, anh phải phát triển thêm nhiều dịch vụ khác như bán hàng lưu niệm, nhân giống chó Phú Quốc bán… để nuôi bảo tàng của mình.

Anh Huệ tâm sự: “Do tôi không xem lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu, nên quyết tâm duy trì bảo tàng này để có cơ hội chia sẻ niềm đam mê cổ vật với du khách”.

Còn với bảo tàng Thiên Đàng - Chu Lai resort, anh Phi Long cho hay 2 nỗi lo lớn nhất của mình là tìm chưa được hướng dẫn viên thạo nghề và gặp khó khăn về kỹ thuật lưu giữ cổ vật.

Do vậy bên cạnh việc tìm người phù hợp, anh Phi Long còn phải tìm các chuyên gia nước ngoài về tư vấn. Đây cũng là những băn khoăn chung của chủ các bảo tàng tư nhân hiện nay.

Một cổ vật của người Chăm trị giá có thể đến vài triệu USD.

 Một cổ vật của người Chăm trị giá có thể đến vài triệu USD.

Việc phát triển các bảo tàng tư nhân chỉ mới là bước khởi đầu, nhưng đã được nhiều doanh nghiệp lữ hành đánh giá cao. Theo ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc sản phẩm và tiếp thị Công ty Vietmark, trong thời điểm các sản phẩm du lịch còn hạn chế, có thể xem bảo tàng như điểm nhấn văn hóa hay một sản phẩm du lịch có tiềm năng thu hút du khách.

Những điểm nhấn này vừa có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch, vừa góp phần lưu giữ được những giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc.

Vì vậy, nên chăng cần có sự phối hợp giữa các nghệ nhân nhiều tâm huyết, các doanh nghiệp lữ hành và ngành bảo tồn - bảo tàng của các địa phương trong việc đầu tư nâng cấp chất lượng bảo tàng tư nhân?

Các tin khác