8-3 lạm bàn chuyện phụ nữ

Một trong những câu đố hài hước nhất quý ông thường rỉ tai nhau một cách bí mật: “Con gì ăn ít nói nhiều. Sống dai khó chết miệng kêu tiền tiền”. Đáp án: con… vợ!

Một trong những câu đố hài hước nhất quý ông thường rỉ tai nhau một cách bí mật: “Con gì ăn ít nói nhiều. Sống dai khó chết miệng kêu tiền tiền”. Đáp án: con… vợ!

Nghe thật cay nghiệt và chua chát, nhưng các bà vợ cũng cười vui vẻ xem như một trò đùa tinh nghịch của các ông chồng giữa cơm áo lo toan bộn bề. Thiên hạ thường ví von phụ nữ là một nửa thế giới. Không có phụ nữ thì không có vĩ nhân, không có kỳ tài, cũng không có tình yêu.

Tuy nhiên, nói đến phụ nữ, được bàn luận nhiều nhất và cũng phức tạp nhất, đó là khi họ gánh vác vai trò người vợ. Ông tổ của triết học phương Tây - Socrates đã khuyên các học trò một câu chí lý, chí tình: “Đến tuổi khôn lớn, hãy lấy vợ đi. Nếu cưới được người vợ hiền thục, sẽ hạnh phúc suốt đời. Nếu cưới phải người vợ dữ tợn, sẽ trở thành triết gia”. Không dễ kiểm chứng Socrates nói đúng sai ra sao, nhưng các ông chồng khi than nghèo kể khổ cuộc sống gia đình đều hoạt ngôn mồm năm miệng mười như những… nhà vợ học chính hiệu.

Với đàn ông, nói xấu vợ hoặc kể tội vợ, chỉ xuất hiện lúc trà dư tửu hậu, còn khi nghiêm túc đối diện với lòng mình, hầu hết các ông đều thấy mang ơn vợ. Bằng chứng là câu cửa miệng quý ông lúc ngất ngưởng thường thốt ra như lời vàng ý ngọc “vợ ta không sinh ra ta, nhưng có công nuôi nấng và dạy dỗ ta nên người”.

Trong những áng văn chương viết về vợ, không thể không nhắc 2 câu thơ “khóc vợ” trong bài "Khóc Bằng phi" của Vua Tự Đức: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng. Xếp tàn y lại để dành hơi” và bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương: “Quanh năm buôn bán ở mom sông. Nuôi đủ năm con với một chồng. Lặn lội thân cò khi quãng vắng. Eo sèo mặt nước buổi đò đông… ”.

Từ yêu vợ, nể vợ đến… sợ vợ luôn là một khoảng cách khá mong manh. Nếu ai cho rằng bạo lực gia đình đều do đàn ông gây ra thì có thể hơi nhầm lẫn. Nếu quý phu nhân không tiềm ẩn một sức mạnh ghê gớm thì làm sao các ông chồng đúc kết được những kinh nghiệm xuất sắc như “vợ ta thì ta sợ, chứ đâu phải sợ vợ hàng xóm mà phải xấu hổ”. Người xưa bảo, 3 người phụ nữ ngồi với nhau cộng với 1 con vịt sẽ thành cái chợ.

Còn bây giờ không khó nhận ra, 3 người đàn ông ngồi với nhau cộng với đề tài vợ sẽ thành một kho tàng chuyện tiếu lâm. Dĩ nhiên, những chuyện tiếu lâm ấy không nhằm che đậy sự yếu đuối của các ông chồng, cũng không nhằm thổi phồng cái oai phong của các bà vợ, mà giống như sự chia sẻ từ 2 phía. Đôi khi, người vợ có khả năng hóa giải những tai họa khủng khiếp cho người chồng.

Ví dụ, một ông chồng đem ảnh vợ đến công sở thì bao giờ cũng có những lợi ích bất ngờ. Cái lợi nhỏ, các đồng nghiệp nữ sẽ biết người đàn ông ấy là… “hoa đã có chủ”, bớt được những rắc rối và phiền hà không cần thiết. Cái lợi lớn hơn, khi bị sếp nổi trận lôi đình quở trách về một điều gì đó, nhìn ảnh vợ sẽ tan biến mọi bực bội. Cách hiểu qua ánh mắt người ngoài cuộc: ông chồng ấy nhẫn nhịn vì phải kiếm tiền nuôi vợ. Cách hiểu từ… tim đen của người trong cuộc: hàng ngày bà vợ này đay nghiến liên tục mà mình vẫn chịu được, thì mấy lời mắng mỏ của sếp vẫn còn dịu dàng lắm.

Nói đi thì phải nói lại. Một người phụ nữ khi bước lên xe hoa về nhà chồng cũng giống như được sinh ra lần thứ hai. Lần sinh ra thứ nhất, người phụ nữ không có quyền chọn lựa cha mẹ. Lần sinh ra thứ hai, người phụ nữ được quyền chọn lựa đấng lang quân.

Vì vậy, người đàn ông bất hạnh nhất khi chọn nhầm nghề, còn người phụ nữ bất hạnh nhất khi chọn nhầm chồng. Không có gì phải băn khoăn khi một người phụ nữ đắn đo nhận lời cầu hôn, bởi lẽ “một đêm quân tử nằm kề, còn hơn thằng ngốc vỗ về trăm năm” và “ba năm ở với người đần, không bằng chốc lát ở gần người khôn”. 

Trong vòng quay bất tận của số phận, không phải người phụ nữ nào cũng chọn được người chồng như ý. Cho nên, phẩm chất đẹp đẽ mà ai cũng dễ dàng nhận ra ở người vợ là đức hy sinh. Lịch sử và huyền sử của dân tộc Việt Nam đã có không ít chân dung những người vợ vĩ đại, mà dấu vết họ tạc vào năm tháng làm nên những nỗi chờ đợi mang tên núi Vọng Phu, những niềm thương mến mang tên hòn Trống Mái.

Ảnh minh họa. Nguồn internet 

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Người đàn ông càng xa vợ càng nhận ra giá trị không thể thay thế của vợ. Trong âm nhạc, Thanh Tùng viết: “Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai, gió sương mòn cả hai vai, đôi chân chênh vênh con đường nhỏ, nghiêng nghiêng bóng em gầy”.

Trong thi ca, Nguyễn Duy viết: “Đêm huyền ảo một kinh kỳ se lạnh, một mình ta cô quạnh giữa muôn người, mặt sông lạ gợn nếp nhăn đuôi mắt, bủn rủn buồn ta thầm kêu: vợ ơi...”. Còn nhà thơ Đặng Hấn tự hào nếu có một danh hiệu dành cho những người giỏi dỗ dành vợ thì ông xứng đáng được xưng tụng là “người chồng nhân dân” vì đã viết bài thơ: “Bạn bè rủ đi chơi xa. Còn em trông nhà, có ngại ngần chi? Nhưng rồi anh lại không đi. Vì anh chợt nghĩ: Em thì ai trông?”.

Riêng nhà thơ Thuận Hữu ngắm vợ sau “những phút xao lòng” nhiều thông cảm: “Có thể vợ mình xưa cũng có một người yêu (người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ). Cũng như mình thôi, mình ngày xưa cũng thế. Yêu một cô, giờ cô ấy đã có chồng. Có thể vợ mình những phút mềm lòng, nên giấu những suy tư không kể về giấc mộng. Người yêu cũ vợ mình có những điều mà chính mình không có được. Cô ấy không nói ra vì sợ mình buồn. Mình cũng có những phút giây cảm thấy xao lòng. Khi gặp người yêu xưa với những điều vợ mình không có được. Nghĩ về cái đã qua nhiều khi nuối tiếc. Mình cũng chẳng nói ra vì sợ vợ buồn. Sau những lần nghĩ đến đâu đâu mình thương vợ mình hơn. Và cảm thấy như mình có lỗi”.

Có những người đàn ông độc thân vẫn có sự nghiệp, nhưng tất cả những người đàn ông có vợ sẽ có thêm chỗ dựa lúc túng bấn, liêu xiêu, hay trái gió trở trời. Ca dao từng cảnh tỉnh: “Ra đường võng giá nghênh ngang, về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày”. Cho nên ông chồng nịnh vợ cũng tốt, mà ông chồng sợ vợ càng tốt.

Xin được kết thúc bài tản mạn này bằng một chuyện tiếu lâm khác về vợ. Chuyện rằng, sếp tập hợp các nhân viên nam và ra lệnh: “Ai sợ vợ thì đứng sang bên tay trái”. Tất cả nam nhân viên lục tục làm theo, chỉ có một người vẫn đứng yên tại chỗ. Sếp hớn hở reo lên: “Tốt quá, cơ quan chúng ta vẫn có một người không sợ vợ. Hoan hô anh. Cơ quan vẻ vang vì anh. Xin anh cho mọi người biết bí quyết để có khí tiết tuyệt vời ấy”. Anh nam nhân viên kia lấm lét trả lời: “Thưa sếp! Vợ em dặn đi làm không được kéo bè kết cánh, nên em không dám đứng về phía đông người”.

Sài Gòn, tháng 3-2012

Các tin khác