FLC, ROS và tỷ phú USD (K2): Nấc thang FLC, danh vọng ROS

(ĐTTCO) - Cuộc rượt đuổi soán ngôi vị người giàu nhất TTCK chưa lúc nào kịch tính như năm 2016, khi Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết được thăng hạng chóng mặt. Suốt 5 năm núp bóng các đại gia khác, nhưng chỉ vài tháng sau khi CTCP Xây dựng FLC Faros (với mã CP ROS) niêm yết, Chủ tịch FLC đã nhảy lên vị trí thứ nhất. Cách thức đi đường tắt để trở thành tỷ phú USD liệu có thể được công thức hóa, trở thành cây đũa thần cho bất kỳ đại gia nào?

(ĐTTCO) - Cuộc rượt đuổi soán ngôi vị người giàu nhất TTCK chưa lúc nào kịch tính như năm 2016, khi Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết được thăng hạng chóng mặt. Suốt 5 năm núp bóng các đại gia khác, nhưng chỉ vài tháng sau khi CTCP Xây dựng FLC Faros (với mã CP ROS) niêm yết, Chủ tịch FLC đã nhảy lên vị trí thứ nhất. Cách thức đi đường tắt để trở thành tỷ phú USD liệu có thể được công thức hóa, trở thành cây đũa thần cho bất kỳ đại gia nào?

FLC, ROS và tỷ phú USD (K1): Tiếp nối nhiều sai phạm

Chủ tịch của Tập đoàn FLC nhưng có được danh xưng tỷ phú USD lại chủ yếu đến từ một công ty mới lên sàn ROS. Vậy đâu là cách để đại gia Trịnh Văn Quyết trở nên “nổi đình, nổi đám” trong năm 2016?

Kinh nghiệm từ FLC

Giá CP ROS tăng 11,6 lần kể từ khi lên sàn cũng khiến khối tài sản của đại gia Trịnh Văn Quyết tăng lên tương ứng. Nếu ROS tiếp tục tăng giá hay các quy trình trên của ROS được lặp lại với CTCP khác, xem ra đại gia này sẽ còn tiếp tục thăng hạng cao hơn nữa.

Trước đây ông Trịnh Văn Quyết được biết đến qua cương vị Chủ tịch Tập đoàn FLC và là một trong những đại gia CK. FLC đang lưu hành trên 638 triệu CP và ông Quyết sở hữu 114,19 triệu CP. Với khối lượng CP khá lớn nhưng do giá quá thấp, FLC không thể giúp đại gia này thăng hạng lên tỷ phú USD.

Đã có nhiều NĐT đặt câu hỏi vì sao FLC quá thấp và đích thân vị chủ tịch này trả lời trong một lần gặp gỡ NĐT năm 2015, cho rằng do tính đại chúng FLC quá cao. Trừ đợt tăng giá duy nhất năm 2012, FLC suốt 4 năm nay chưa khi nào vượt quá 12.000 đồng/CP (tính theo giá đã điều chỉnh phát hành). Trong tháng 2-2017, FLC được đầu cơ rất mạnh nhưng giá vẫn chưa vượt quá mệnh giá.

Với mức giá thấp như vậy, khối tài sản thông qua sở hữu CP này quá nhỏ để trở thành tỷ phú USD. Bởi bản chất của các danh sách xếp hạng người giàu trên TTCK mang tính thống kê bề nổi, do vậy số lượng CP sở hữu không phải là toàn bộ tài sản, chỉ là con số công khai dễ tính toán.

Để nâng khối tài sản trên bảng thống kê, hoặc là sở hữu một khối lượng CP khổng lồ hay ít hơn nhưng giá CP phải thật cao, hoặc có được cả hai. Đây lại là điều FLC không thể đem lại lợi thế cho đại gia Trịnh Văn Quyết.

Từ việc bơm vốn thần tốc 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ cho ROS

Công ty Faros (mã CP ROS - hiện đã đổi tên thành FLC Faros) mới được biết đến nhiều trong khoảng 8 tháng gần đây, chủ yếu nhờ các thông tin PR liên tục, cũng như diễn biến tăng mạnh của giá CP. Faros khởi nguồn là Công ty Xây dựng và Đầu tư Vĩnh Hà có giấy đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 1-3-2011, vốn ban đầu 1,5 tỷ đồng và 3 cổ đông sáng lập. Với quy mô vốn quá nhỏ như vậy, giai đoạn trước 2015 Vĩnh Hà vắng bóng như chưa từng tồn tại.

Thời điểm được chọn như một khởi đầu mới là tháng 4-2014 với lần tăng vốn từ 1,5 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng và Vĩnh Hà đổi tên thành Faros từ tháng 5-2015. Từ thời điểm tháng 4-2014 đến tháng 3-2016, Faros thực hiện thêm 4 lần tăng vốn để nâng vốn lên 4.300 tỷ đồng. Các đợt tăng vốn này đều được thực hiện bằng cách phát hành thêm CP cho cổ đông hiện hữu.

Tuy nhiên không thể biết được Faros thật sự có bao nhiêu cổ đông. Lấy đơn cử như đợt tăng vốn từ 3.037,5 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng vào tháng 1-2016, dự kiến phát hành 462,5 tỷ đồng giá trị CP, nhưng do các cổ đông không nộp lại phiếu đăng ký mua, đồng thời có ý kiến từ chối quyền mua, nên toàn bộ số CP phát hành thêm chỉ được bán cho 3 người.

Ông Trịnh Văn Quyết được xem là đại gia bất động sản, nhưng trở thành tỷ phú USD nhờ vào công ty mới lên sàn ROS.

Ông Trịnh Văn Quyết được xem là đại gia bất động sản,
nhưng trở thành tỷ phú USD nhờ vào công ty mới lên sàn ROS.

Faros chỉ công bố báo cáo kiểm toán vốn chủ sở hữu bán niên năm 2016, nên không thể biết cụ thể về giai đoạn Faros tăng vốn từ 1,5 tỷ đồng lên 3.037,5 tỷ đồng như thế nào, dù vẫn là phát hành cho cổ đông hiện hữu và giá 10.000 đồng/CP. Trong năm 2016, Faros tăng vốn thêm 1.262,5 tỷ đồng, nhưng thực ra giai đoạn trước 2016 Faros mới thật sự thần tốc trong việc tăng vốn từ 1,5 tỷ đồng lên 3.036 tỷ đồng.

Đợt tăng vốn thứ 2 trong năm 2016 đẩy vốn của Faros tăng thêm 800 tỷ đồng bằng một nghiệp vụ phát hành CP để trả cho việc mua lại CTCP Đầu tư tài chính và Quản lý tài sản (RTS). Cổ đông của RTS nắm giữ 80 triệu CP của RTS (tương đương giá trị công ty này là 800 tỷ đồng). Faros mua lại 80 triệu CP đó và trả cho cổ đông của RTS tương ứng 80 triệu cổ phần của Faros, biến RTS thành công ty con.

RTS chỉ có 3 cổ đông là ông Nguyễn Văn Mạnh, ông Trịnh Văn Đại và bà Nguyễn Thị Phú. Như vậy 3 người này sở hữu 80 triệu CP Faros sau giao dịch nói trên. Dĩ nhiên điều quan trọng nhất là liệu Faros định giá RTS ở mức 800 tỷ đồng có hợp lý là câu hỏi không thể trả lời. Theo thông tin từ báo cáo kiểm toán vốn bán niên 2016, việc định giá này căn cứ vào vốn góp của 3 cá nhân nói trên ở RTS.

Cách thức tăng vốn bằng mua lại một công ty khác và trả bằng CP là cách làm tiết kiệm nhất để gia tăng khối lượng CP của một doanh nghiệp. Số lượng CP gia tăng nhiều hay ít tùy thuộc vào quy mô định giá của doanh nghiệp bị mua lại.

Tuy nhiên, nếu là giao dịch mua lại này thực hiện sau khi doanh nghiệp đã niêm yết sẽ có quy trình chặt chẽ hơn, phải qua ĐHCĐ, có tổ chức trung gian định giá… Như vậy, đến trước khi niêm yết CP trên sàn CK, Faros đã hoàn tất quá trình tăng vốn thần tốc của mình. Số lượng cổ đông của Faros vẫn không có thông tin cụ thể.

Ông Trịnh Văn Quyết ở đâu trong quá trình tăng vốn nói trên của Faros không có thông tin cụ thể. Tuy nhiên ông Quyết được ghi nhận ngày 6-7-2016 đã sở hữu gần 179,71 triệu CP của Faros, tương đương 41,79%. Đây là mức góp vốn khổng lồ ngay cả khi tính theo mệnh giá 10.000 đồng/CP.

Có thể đại gia này hoặc tham gia góp vốn ở giai đoạn trước 2016 và nằm trong số “từ chối quyền mua” của cổ đông hiện hữu trong lần phát hành đầu tiên năm 2016; hoặc đã mua lại CP của các cổ đông khác. Song, sở hữu 179,71 triệu CP ROS cũng chưa thể giúp đại gia Trịnh Văn Quyết lọt vào nhóm tỷ phú USD trên sàn CK một cách nhanh chóng.

 Đến tăng giá, thăng hạng

Chưa đầy 1 tháng sau khi niêm yết, đại gia này đã mua thêm gần 100 triệu CP ROS. Việc mua một lúc tới gần 23,26% vốn của Faros, cộng với các cá nhân, tổ chức liên quan sở hữu trên 25% số CP có quyền biểu quyết trở lên, theo Luật CK phải chào mua công khai.

Tuy nhiên luật lại cho phép trường hợp không phải thực hiện chào mua công khai khi đã được ĐHCĐ thông qua. Như vậy chắc chắn việc đại gia Trịnh Văn Quyết tăng sở hữu ở Faros lên đã được chuẩn bị từ trước khi CP này niêm yết tại một ĐHCĐ nào đó và các đối tác đã sẵn sàng cho việc này.

Sau khi thần tốc gia tăng khối lượng CP nắm giữ, đến lượt giá CP ROS thần tốc tăng. Kinh nghiệm tốn kém ở FLC đã cho thấy một CP có khối lượng trôi nổi bên ngoài quá cao không thể nào tăng giá nhanh được. Số lượng cổ đông của Faros trước khi lên sàn vẫn là ẩn số và trong 2 đợt tăng vốn ngàn tỷ đồng năm 2016 cũng chỉ xuất hiện thêm 6 cái tên mới.

Đương nhiên để đạt tiêu chuẩn lên sàn niêm yết Faros phải là công ty đại chúng, tức có tối thiểu 100 cổ đông. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là mỗi cổ đông khống chế bao nhiêu CP. CP càng bị giữ lại nhiều lượng trôi nổi càng ít và giá càng dễ tăng. Rõ ràng ROS là câu chuyện ngược hoàn toàn với FLC. ĐHCĐ bất thường của ROS ngày 29-11-2016 đã hé lộ điều này: 63 cổ đông tham dự (54 người dự trực tiếp, 9 người ủy quyền) khống chế tới 422.328.180 CP, tương ứng 98,21% CP có quyền biểu quyết.

Faros khởi nguồn là CTCP tư nhân không phải cổ phần hóa qua đấu giá, tức số lượng cổ đông được chọn lọc từ ngày đầu cũng như suốt quá trình tăng vốn. FLC chọn cách tăng vốn sau khi niêm yết khiến CP bị pha loãng (từ khi niêm yết có 17 triệu CP hiện đã trên 638 triệu CP). ROS ngược lại, tăng vốn thần tốc từ trước niêm yết và khó biết được ai sở hữu bao nhiêu CP. Và cuối cùng kết quả của tất cả yếu tố nói trên là quá trình thần tốc thăng hạng của đại gia Trịnh Văn Quyết. 

(còn tiếp)

Các tin khác