Cận kề khủng hoảng mới (K1):Hãy bán mọi thứ

(ĐTTCO) - Chỉ chưa hết 2 tháng đầu năm 2016, nhưng nền kinh tế toàn cầu đã có nhiều diễn biến đáng lo ngại: các phiên hoảng loạn trên thị trường chứng khoán từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ; giá dầu tiếp tục lao dốc; tình hình chiến sự ở Syria ngày một căng thẳng; những nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu... đều không như kỳ vọng. Phải chăng cuộc khủng hoảng kế tiếp đang cận kề?

(ĐTTCO) - Chỉ chưa hết 2 tháng đầu năm 2016, nhưng nền kinh tế toàn cầu đã có nhiều diễn biến đáng lo ngại: các phiên hoảng loạn trên thị trường chứng khoán từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ; giá dầu tiếp tục lao dốc; tình hình chiến sự ở Syria ngày một căng thẳng; những nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu... đều không như kỳ vọng. Phải chăng cuộc khủng hoảng kế tiếp đang cận kề?

Các thị trường chứng khoán phương Tây sẽ giảm tới 20%, dầu sẽ giao dịch ở 16USD/thùng, các thị trường mới nổi sẽ vỡ vụn vì Trung Quốc tiếp nối vai trò của Ngân hàng Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đó là dự báo cho năm 2016 của Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS).

Mau tìm lối thoát hiểm

“Hãy bán hết mọi thứ trừ những trái phiếu chất lượng cao. Điều này nhằm bảo toàn vốn, không phải để tăng vốn” - Giám đốc tín dụng RBS Andrew Roberts viết trong một lưu ý khách hàng ngày 12-1. Roberts cho biết tất cả cờ đỏ dùng để theo dõi cảnh báo của RBS đều đã được sử dụng: sự sụp đổ của giá dầu, biến động ở Trung Quốc, nợ tăng, giảm phát và cho vay doanh nghiệp giảm… đều xuất hiện ngay trong tuần giao dịch đầu tiên năm 2016. Chỉ số chứng khoán FTSE của Anh đã giảm 5% - khởi đầu tệ nhất kể từ năm 2000, trong khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones cũng có những phiên khởi đầu năm tồi tệ nhất.

Trong lưu ý của mình, Roberts so sánh tình hình hiện tại với năm 2008 chỉ có khác biệt duy nhất: điểm khủng hoảng lần này là Trung Quốc, thay vì Lehman Brothers. Theo Roberts, năm 2008 sức mạnh của Trung Quốc và các thị trường mới nổi đã làm dịu những tác động tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính, nhưng lần này họ sẽ không có vai trò đó. “Trung Quốc đã có sự thay đổi lớn. Cổ phiếu và tín dụng đã trở nên rất nguy hiểm” - Roberts nói. RBS tiếp tục chỉ trích việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tăng lãi suất vào thời điểm thị trường toàn cầu còn bấp bênh. Với các ngân hàng trung ương chấm dứt các biện pháp kích thích hậu 2008 và nhu cầu sụt giảm kéo giá hàng hóa toàn cầu, RBS dự báo thị trường Hoa Kỳ và châu Âu sẽ giảm 10-20% trong năm nay.

Bán khi có thể

Đáng chú ý, RBS không phải là “con gấu lớn” duy nhất trên thị trường toàn cầu hiện nay. Trước đó, ngày 11-1, Ngân hàng J.P. Morgan lần đầu tiên sau 7 năm đưa ra lời khuyên nhà đầu tư hãy bán tháo chứng khoán: "Chúng tôi cho rằng cách kiếm lời dựa trên rủi ro trong chứng khoán về cơ bản đã trở nên tồi tệ. Ngược lại với 7 năm qua, khi chúng tôi cổ súy việc tìm kiếm những cơ hội mua vào, nay chúng tôi khuyên bạn hãy bán hết cổ phiếu trong bất cứ đợt hồi phục nào sắp tới”. Các chỉ số kỹ thuật, kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp thấp cộng với quỹ đạo đi xuống trong hoạt động sản xuất ở Hoa Kỳ và giá hàng hóa thấp, cũng khiến JP Morgan bi quan: “Chúng tôi sợ rằng mùa báo cáo quý IV-2015 đang diễn ra sẽ không có nhiều bảo đảm cho cổ phiếu. Nếu điều này trở thành hiện thực, đây sẽ là quý tệ nhất”.

Bên cạnh đó, triển vọng ảm đạm trước sự sa sút trong lĩnh vực sản xuất, khiến biên lợi nhuận của J.P. Morgan rơi xuống mức âm trong quý IV-2015, lần đầu tiên kể từ năm 2008. Chỉ số quản lý nguồn cung tháng 12-2015 đã giảm xuống mức 48,2% từ mức 48,6% của tháng 11, mức thấp nhất kể từ đại khủng hoảng. Ngân hàng Standard Chartered ngày 12-1 gia nhập nhóm các ngân hàng lớn như Goldman Sachs, RBS và Morgan Stanley, dự báo giá dầu sẽ sớm rơi xuống mức 10USD/thùng.

Tỷ phú đầu tư George Soros.

 Tỷ phú đầu tư George Soros.

Cảnh báo của các tỷ phú đầu tư

George Soros là một nhà đầu tư huyền thoại, người đã từng đặt cược chống lại Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) năm 1992 và kiếm lời 1 tỷ USD. Ông cũng thành công trong việc đặt cược đồng deutsche mark của Đức sẽ tăng sau khi bức tường Berlin bị sụp đổ năm 1989 và chứng khoán Nhật Bản bắt đầu rớt giá trong cùng năm. Từ năm 1969-2011, Soros lãnh đạo quỹ đầu tư của mình kiếm lời mỗi năm 20%. Vì vậy, trong giới đầu tư quốc tế có truyền tụng câu nói: Nếu bạn dám đặt cược ngược lại George Soros, bạn là nhà đầu tư lớn gan. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hồi cuối tháng 1, Soros dự báo về một cuộc khủng hoảng tài chính như năm 2008, nhưng không bắt nguồn từ thị trường thứ cấp Hoa Kỳ, mà bắt đầu từ việc suy giảm xuất khẩu ở Trung Quốc. Soros tin rằng Trung Quốc có đủ dự trữ và cơ chế kiểm soát tập trung để vượt qua một cuộc hạ cánh cứng không thể tránh khỏi.

Trước đó, vào tháng 6-2015, một tỷ phú đầu tư nổi tiếng khác là Steve Schwarzman, người sáng lập Blackstone - một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới - đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng cận kề trong bài viết gửi cho báo Wall Street Journal. “Một sự khan hiếm thanh khoản có thể làm trầm trọng thêm, hoặc thậm chí gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo. Người bán sẽ chào bán chứng khoán, nhưng sẽ không có người mua” - Schwarzman, viết. Ông thừa nhận Đạo luật Dodd-Frank về quản lý tài chính-ngân hàng của Hoa Kỳ đã giúp hệ thống ngân hàng mạnh hơn bằng cách yêu cầu các ngân hàng nắm giữ nhiều tài sản giàu tính thanh khoản hơn (tiền mặt hoặc tài sản có thể dễ dàng bán được). Tuy nhiên, vẫn có những hiệu ứng ngoài ý muốn. Vì các ngân hàng nắm giữ nhiều tài sản hơn, nên làm giảm đáng kể lượng người mua và bán trên các thị trường.

Góp mặt trong những cảnh báo bi quan, các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies đã đưa ra các số liệu cho thấy các chỉ số kinh tế đang quay trở về giống với thời điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chẳng hạn, chỉ số lạc quan tại các thị trường hiện ở mức -14 điểm, thấp nhất kể từ tháng 3-2009; lãi suất trái phiếu của các công ty trong ngành năng lượng trong chỉ số S&P 500 đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2008; thị trường chứng khoán Hoa Kỳ rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 52 tuần kể từ giai đoạn 2008-2009; trái phiếu lãi suất cao đang được đánh giá là tài sản có rủi ro cao nhất, giống như giai đoạn 2008-2009...

Tôi đang quan sát những diễn biến về việc Trung Quốc sẽ hạ cánh cứng bởi tôi tin rằng điều này đang xảy ra. Nếu tính chính xác, tăng trưởng kinh tế quý IV-2015 của Trung Quốc chỉ đạt 3,5%, không phải 6,8% như Bắc Kinh tuyên bố. Ngoài ra, gánh nặng nợ quá lớn và dòng chảy tháo vốn là những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang hạ cánh cứng.

(còn tiếp)

Các tin khác