Nông dân tự bơi-đổ nợ (K1): Nỗi buồn cường quốc lúa gạo

LTS: Khoảng gần 1 thập niên trở lại đây, Việt Nam đã trở thành một cường quốc về các loại nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, thủy sản. Thế nhưng, đằng sau sự hào nhoáng đó là hình ảnh những người nông dân, luôn đối mặt với điệp khúc được mùa rớt giá, thua lỗ triền miên.

LTS: Khoảng gần 1 thập niên trở lại đây, Việt Nam đã trở thành một cường quốc về các loại nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, thủy sản. Thế nhưng, đằng sau sự hào nhoáng đó là hình ảnh những người nông dân, luôn đối mặt với điệp khúc được mùa rớt giá, thua lỗ triền miên.

Trong lịch sử nước ta, cây lúa luôn giữ một vai trò đặc biệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Lúa hiện vẫn là cây trồng chủ đạo, góp phần giải quyết lương thực cho hơn 90 triệu dân trong nước, đồng thời còn xuất khẩu mỗi năm khoảng 6-7 triệu tấn, đưa Việt Nam vào hàng top 3 nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới. Dù đã là một cường quốc lúa gạo, đời sống người dân trồng lúa vẫn lam lũ.

“Giấc mơ” 30%

Có lẽ chỉ nông dân Hoa Kỳ, Australia, Hà Lan là được sống sung túc, còn đại bộ phận nông dân các nước, nhất là nông dân trồng lúa đều gặp khó khăn. Nếu không khó khăn, chắc chắn sẽ không xảy ra hiện tượng trong vòng 2 năm (2012-2013), Việt Nam có đến 42.785 hộ bỏ không đất canh tác với trên 6.882ha và trên 3.407 hộ trả ruộng. Ở vùng nông thôn, lúa là thực phẩm nuôi sống gia đình, là của cải nuôi con cái ăn học, vậy điều gì khiến nông dân đang chán ngán cánh đồng lúa?

Nếu như trước đây, người trồng lúa chỉ gặp rủi ro, mất mát khi có thiên tai, địch hoạn, thì nay phải đối mặt với nhiều rủi ro mới như thủy điện xả lũ, dịch bệnh, nhường đất cho sân gofl - khu đô thị, được mùa rớt giá… Trồng lúa lợi nhuận thấp lại phải đối mặt với nhiều rủi ro, cho nên người dân bỏ đất hoang hóa hay trả lại ruộng là đương nhiên.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản lượng lúa cả năm 2013 ước đạt 44,1 triệu tấn, đạt năng suất 55,8 tạ/ha. Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2013 ước đạt 6,61 triệu tấn, chiếm 20-25% sản lượng lúa trên cả nước, với tổng giá trị 2,95 tỷ USD.

Trong khi đó, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo để bảo đảm cho người trồng lúa có lãi trên 30% cho thấy mục tiêu người nông dân trồng lúa có lãi trên 30% là chuyện còn xa vời. Đáng lưu ý, tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên 42% địa phương nông dân sản xuất lúa có lãi dưới 30%, có địa phương chỉ lãi trên 10%, cá biệt có địa phương nông dân sản xuất lúa chưa có lãi.

3 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng trong top 3 các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Đây cũng là 3 năm ngành nông nghiệp Việt Nam chịu tác động lớn của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh và để bán được DN xuất khẩu phải chào giá thấp.

Trung tuần tháng 4-2014, Việt Nam trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines với mức giá 439USD/tấn, thấp hơn các đối thủ khoảng 30USD/tấn, như Campuchia chào bán giá 469USD/tấn, Thái Lan 474USD/tấn. Xuất khẩu gạo chồng chất khó khăn, thị trường ngày càng khốc liệt, trong khi gạo Việt Nam kém cạnh tranh về chất lượng, giá gạo xuất khẩu rẻ, buộc thương lái, DN thu mua lúa gạo từ nông dân với giá thấp.

Tiếp tục kỳ vọng

So với các nước, tốc độ công nghiệp hóa nông nghiệp của Việt Nam còn chậm, phần lớn vẫn tồn tại phương thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu. Hơn nữa, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn phải nhập khẩu với tỷ lệ lớn, đặc biệt phân đạm, phân lân, kali, làm giá cả sản xuất đầu vào tăng vọt. Từ năm 2011-2013, Nhà nước đã chi ra 11.082,6 tỷ đồng để hỗ trợ đầu vào cho sản xuất lúa, gạo.

Song thực ra các giải pháp hỗ trợ như thế không đủ mạnh, đủ lớn để giúp nông dân có cuộc sống tốt hơn. Hạn chế này xuất phát từ thực tế ngân sách nhà nước không nhiều, trong khi đang phải gồng gánh ngân sách phát triển giáo dục, y tế, khoa học, hạ tầng… nên khả năng hỗ trợ cho nông dân rất có hạn.

Có thể nói, sở dĩ thu nhập của nông dân trồng lúa hiện nay chưa được cải thiện nhiều là do những bất cập trong khâu tổ chức tiêu thụ, hàng hóa đến người tiêu dùng hoặc thu mua xuất khẩu trải qua quá nhiều khâu trung gian. Chính sự yếu kém trong khâu liên kết, khi nông dân vào vụ phải mua đủ thứ vật tư ở các đại lý khác nhau, khi thu hoạch bán lúa ra thị trường phải thông qua cò lúa, thương lái, xay xát, dịch vụ phơi sấy, lau bóng gạo.

Chuỗi giá trị dài dằng dặc như thế dĩ nhiên lợi nhuận của người dân trong hạt gạo còn lại rất ít. Chưa kể, với cách làm cổ truyền mấy chục năm nay, gạo của Việt Nam đi ra thị trường thế giới tồn tại 4 cái không bất lợi: không phân loại, không kiểm soát dư lượng hóa chất, không truy xuất được nguồn gốc và cuối cùng là giá bán không cao.

Để tìm đầu ra lúa gạo Việt Nam, Nhà nước đã giao Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) giữ vai trò kết nối đầu ra, đầu vào với nông dân. Trên thực tế, 2 đơn vị này theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành là chưa làm tròn trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân, tạo vùng nguyên liệu, đầu tư khoa học công nghệ, công nghệ chế biến, bao tiêu sản phẩm. Từng có chuyên gia bức xúc rằng 2 đơn vị trên chỉ đóng vai trò của một DN thuần túy, không có chuyện hỗ trợ, hay liên kết với bà con nông dân.

Thu hoạch lúa tại ĐBSCL.

Thu hoạch lúa tại ĐBSCL.

Trước thực trạng hiện nay, muốn giúp người nông dân sản xuất tốt hơn, có lãi nhiều hơn cần phải tổ chức lại sản xuất, liên kết chặt chẽ giữa DN với nông dân. Một trong những mô hình liên kết điển hình trong nông nghiệp là mô hình cánh đồng lớn của CTCP Bảo vệ thực vật An Giang tại các tỉnh ĐBSCL. Đây là mô hình liên kết chia sẻ lợi ích kinh tế giữa nông dân và DN.

Nông dân tham gia sẽ được công ty tạm ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và được bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường, ngược lại, nông dân tiêu thụ giống, thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình này được triển khai từ năm 2011 và đang được nông dân hưởng ứng.

Nhờ cắt giảm nhiều chi phí trung gian, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống có giá trị thương phẩm cao, so với mô hình truyền thống, cánh đồng lớn đem lại lợi nhuận cho người nông dân gần như 100%. Giá như có nhiều DN cùng chung tay như CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, chắc chắn người nông dân trồng lúa sẽ bớt khổ, vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam cũng sẽ được nâng tầm.

(Còn tiếp)

Các tin khác