Chất lượng chung cư giá rẻ? (K2): Đói hạ tầng

Không thiếu điện, thiếu nước như những khu chung cư giá rẻ khác, cư dân khu đô thị Kiến Hưng (quận Hà Đông, TP Hà Nội) lại chịu tình cảnh đói về hạ tầng. Đi vào sử dụng gần 2 năm nay nhưng khu đô thị này không khác gì ốc đảo giữa cánh đồng, đặc biệt khi đêm xuống.

Không thiếu điện, thiếu nước như những khu chung cư giá rẻ khác, cư dân khu đô thị Kiến Hưng (quận Hà Đông, TP Hà Nội) lại chịu tình cảnh đói về hạ tầng. Đi vào sử dụng gần 2 năm nay nhưng khu đô thị này không khác gì ốc đảo giữa cánh đồng, đặc biệt khi đêm xuống.

Chất lượng chung cư giá rẻ? (K1): Chết khát giữa lòng Hà Nội

Ốc đảo giữa lòng phố

Cũng giống dự án nhà thương mại giá rẻ Đại Thanh, khu chung cư dành cho người thu nhập thấp Kiến Hưng rất nổi tiếng trên thị trường BĐS Hà Nội. Nổi tiếng vì khi chủ đầu tư mở bán, người dân phải cạnh tranh gay gắt để có được 1 suất mua nhà ở đây, nhưng sau đó không lâu hàng loạt người xin trả nhà vì giá quá đắt so với mức thu nhập.

Thông tin ban đầu của dự án cho thấy khu đô thị được quy hoạch với 5 tòa nhà, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khi hoàn thành sẽ cung cấp 1.512 căn hộ dành cho người thu nhập thấp. Các tòa nhà đều có tầng hầm, các dịch vụ bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu đời sống cư dân. Xét về tổng quan, dự án nằm ở vị trí trung tâm quận Hà Đông, rất gần với các trường học lớn, bệnh viện, trung tâm mua sắm, giải trí... Tuy nhiên, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, những hình ảnh trên vẫn chỉ là mơ ước của hàng trăm cư dân đang sinh sống ở đây.

Cách làng Mậu Lương và khu đô thị Xa La khoảng 1,5km, khu đô thị Kiến Hưng nằm lọt thỏm giữa cánh đồng mênh mông và chỉ có 1 đường vào duy nhất. Các tòa nhà được xây dựng khá đẹp nhưng dưới chân là dãy hàng quán của chợ tự phát rất nhếch nhác, cỏ dại mọc tràn lan. Trừ một nhà trẻ, các cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc đã có, khu đô thị này còn rất nhiều “không” mà chủ đầu tư chưa kịp thực hiện: không trường học, không chợ, không đèn đường, không điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa, không cây xanh, không công viên…

Theo anh Trần Quang Minh, chủ nhân căn hộ trên tầng 19 ở tòa 19T6, so với thời điểm hơn 1 năm về trước, khu đô thị này đã khá hơn rất nhiều, khung cảnh cũng bớt hoang vu bởi xung quanh bắt đầu có nhà dân xây dựng. Tuy nhiên, sinh hoạt của người dân vẫn rất bất tiện bởi không có chợ, không có trường, không công viên vui chơi và đặc biệt không có đèn đường chiếu sáng vào buổi tối.

“Ở đây người dân thường hạn chế ra khỏi nhà vào ban đêm, đặc biệt về khuya bởi đường dẫn vào khu đô thị phải chạy qua cánh đồng, bãi tha ma, khu đô thị lại biệt lập giữa đồng hoang vắng, đèn đường không có nên rất nguy hiểm” - anh Minh nói.

Còn chị Lệ Thủy ở tòa nhà 19T5 cho biết từ cách đây 3 tháng, cư dân ở đây đã phải tự bầu Ban quản trị lâm thời để tập hợp các kiến nghị của người dân lên chủ đầu tư và chính quyền địa phương, trong đó khẩn thiết nhất là lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, tuy nhiên cho đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Chờ… dài cổ

Tình cảnh cư dân Kiến Hưng đang phải chịu khiến nhiều người lo ngại khu đô thị này sẽ đi vào lối mòn giống như khu tái định cư Nam Trung Yên: cũng nằm chơ vơ giữa cánh đồng, không trường, không chợ, không khu vui chơi, không cây xanh...

Và cho đến nay, sau hàng chục năm đi vào sử dụng, khu chung cư này cũng chưa thoát được tiếng sống khổ vì hạ tầng chưa hoàn thiện. Cũng giống như Nam Trung Yên, vì là dự án nhà ở thu nhập thấp nên việc xây dựng, quản lý ở Kiến Hưng không quy về một mối là chủ đầu tư mà có nhiều bộ phận và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân kêu ròng rã suốt 2 năm vẫn chưa thấu.

Theo Ban quản lý (BQL) tòa nhà Kiến Hưng, các hạng mục cơ sở hạ tầng bên ngoài thuộc trách nhiệm của BQL các dự án quận Hà Đông và chính quyền địa phương, chủ đầu tư chỉ chịu trách nhiệm xây nhà, giải quyết những vấn đề phát sinh ở bên trong tòa nhà, nên việc không có trường, đèn chiếu sáng hay chợ, chủ đầu tư không tự mình giải quyết được.

Còn theo đại diện BQL các dự án quận Hà Đông, các hạng mục này cần phải có thời gian để thực hiện, không thể muốn là có ngay. Cũng theo vị này, đến nay tuyến đường vào khu đô thị đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, đã có hệ thống cột đèn đường.

Tuy nhiên, vẫn còn một đoạn ngắn nối đến tòa nhà 19T3 dang dở, chưa có cột đèn do chưa được bố trí vốn nên chưa thể đóng điện chiếu sáng trên toàn tuyến, BQL dự án đang phối hợp với điện lực Hà Đông khắc phục. Ngoài ra, một số hạng mục khác cũng sẽ được triển khai sớm, như 2 trường học sẽ khởi công trong tháng 6, đầu tháng 7, đầu quý I-2015 đưa vào sử dụng. Hiện UBND quận Hà Đông đang triển khai thủ tục xin TP hỗ trợ vốn để xây dựng chợ, trạm y tế, đồng thời kêu gọi xã hội hóa các công trình khu vui chơi, bãi đỗ xe...

Khu đô thị Kiến Hưng nằm lọt thỏm giữa cánh đồng. Ảnh: HOÀI TRÂM

Khu đô thị Kiến Hưng nằm lọt thỏm giữa cánh đồng.  Ảnh: HOÀI TRÂM

Như vậy, chờ đợi hạ tầng là tình trạng cư dân khu đô thị này phải chấp nhận, ít nhất là trong nhiều năm nữa. Bởi thực tế cho thấy, xã hội hóa hạ tầng các khu đô thị là bài toán nhức đầu mà đến nay TP Hà Nội chưa tìm ra cách giải.

Theo PGS.TS Vũ Thị Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, tình trạng các khu đô thị không có hạ tầng là chuyện thường thấy, đặc biệt ở các dự án giá rẻ. Người dân vào ở rồi chủ đầu tư mới tiến hành hoàn thiện khuôn viên, khu vui chơi, còn việc đi chợ nhờ, học nhờ, không có bệnh viện để khám chữa bệnh là chuyện không mới. Bà Vinh chia sẻ về một khảo sát được thực hiện cách đây vài năm, trong 9 khu đô thị mới 8 khu không có chợ, 7 khu không xây được trường công lập nào và không khu đô thị nào xây được bệnh viện.

Ở các khu đô thị gần nội đô, việc thiếu hụt hạ tầng đã khiến người dân khốn khổ. Đối với dự án thuộc diện vùng sâu vùng xa như Kiến Hưng, những bất tiện người dân phải chịu càng tăng lên gấp bội. Thậm chí, nhiều người dân ở khu đô thị này không ước ao gì nhiều, chỉ cần hệ thống đèn đường được bật sáng vào mỗi tối để có thể đi tập thể dục hoặc đi ra ngoài cho thuận tiện. Ước mong này không biết đến khi nào chủ đầu tư, BQL dự án và chính quyền địa phương mới thấu?

(còn tiếp)

Các tin khác