Chất lượng chung cư giá rẻ? (K1): Chết khát giữa lòng Hà Nội

Đời sống không được như ý muốn là tình cảnh có thể thấy ở rất nhiều khu chung cư trên địa bàn Hà Nội, từ chung cư cao cấp đến chung cư dành cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, xét riêng về  điều kiện thụ hưởng của cư dân, nhiều chung cư giá thấp đang là minh chứng thực tế cho câu “tiền nào của nấy”.

Đời sống không được như ý muốn là tình cảnh có thể thấy ở rất nhiều khu chung cư trên địa bàn Hà Nội, từ chung cư cao cấp đến chung cư dành cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, xét riêng về  điều kiện thụ hưởng của cư dân, nhiều chung cư giá thấp đang là minh chứng thực tế cho câu “tiền nào của nấy”.

Hơn 1 tháng qua, cư dân khu chung cư Đại Thanh (Hà Nội) lâm vào tình cảnh khát nước khi 1 ngày, thời gian có nước chỉ khoảng 20-30 phút. Lượng nước ít ỏi này khiến mọi sinh hoạt của cư dân rơi vào tình cảnh khốn khổ, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng hiện nay.

Thiếu nước nghiêm trọng

Là dự án chung cư giá rẻ từng gây cơn sốt trên thị trường BĐS Hà Nội với mức giá chỉ từ 10 triệu đồng/m2, qua gần 1 năm đi vào sử dụng, hiện 4.000 hộ dân ở đây đang khốn khổ bởi dù đường ống nước Sông Đà không còn vỡ, khu chung cư này vẫn tiếp tục hạn hán ngay trong thời điểm cao độ nắng nóng.

Từ đầu tháng 5, mọi sinh hoạt trong gia đình chị Lê Minh (tầng 22 tòa nhà CT8B khu đô thị Đại Thanh) hoàn toàn bị đảo lộn. Mỗi ngày chỉ có nước khoảng 20-30 phút vào buổi sáng hoặc tối, nên dù có đi đâu, làm gì, một người trong gia đình bắt buộc phải về vào giờ có nước để dự trữ nếu không muốn rơi vào tình cảnh chết khô.

“Trước đây thỉnh thoảng cũng mất nước khi đường ống nước Sông Đà bị vỡ, nhưng hơn 1 tháng nay, nước mất hẳn, mỗi ngày chỉ có 20-30 phút và lượng nước rất yếu. Nhà tôi phải mua một thùng to để dự trữ, mọi đồ đạc trong nhà có thể hứng nước cũng đã được huy động. Thiếu nước mọi sinh hoạt từ nấu nướng, tắm giặt, vệ sinh… đều rất dè xẻn, kham khổ.

Có những ngày nước chỉ đủ dùng cho nhu cầu của con, bố mẹ chỉ dám rửa mặt dù trời nóng 38-390C, quần áo dồn lại đi giặt nhờ, còn các khâu vệ sinh thì bất tiện khỏi nói. Thậm chí có hôm phải dậy từ 4-5 giờ sáng để xếp hàng chờ nước ở bể, không đủ còn phải mua thêm bình nước ở ngoài” - chị Minh cho biết.

Theo các cư dân ở khu đô thị này, tình trạng thiếu nước ngày một trầm trọng. Ban đầu mỗi ngày còn được bơm nước 3 lần, mỗi lần khoảng 1 giờ liên tục, với lưu lượng đủ dùng cho tất cả tầng. Kế đến mỗi ngày chỉ bơm được 2 lần, thời gian rút xuống còn khoảng 30-45 phút, áp lực nước rất yếu. Sau đó là bơm luân canh, 1 nửa số tầng có nước còn nửa kia thì không. Thậm chí có ngày không có lấy một giọt nước khiến người dân phải huy động nước bằng mọi cách.

Tình trạng nước lênh láng cả thang máy, hành lang hay người dân xếp hàng dài chờ nước diễn ra hàng ngày, khiến quang cảnh của các tòa nhà trở nên nhếch nhác. Các dịch vụ cung cấp nước tự phát cũng được dịp nở rộ quanh khu đô thị này và người dân có lúc phải mua với giá cắt cổ 15.000 đồng/2 xô nước.

Tại anh hay tại ả?

Mất nước sinh hoạt tại các khu chung cư không còn là điều quá xa lạ ở Hà Nội, tuy nhiên mất nước kéo dài hàng tháng là trường hợp hy hữu chỉ xảy ra ở khu chung cư Đại Thanh. Điều đáng nói giữa chủ đầu tư (Xí nghiệp tư nhân số 1 Lai Châu) và đơn vị cung cấp nước sạch (CTCP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch - Viwaco) lại “đá bóng” cho nhau trong bài toán trách nhiệm.

Theo đại diện chủ đầu tư, mất nước là lỗi của nhà cung cấp nước sạch. Trong khi đó, phía Viwaco cho rằng công ty này vô can khi lượng nước cung ứng về khu đô thị Đại Thanh hoàn toàn không giảm, mà do số lượng dân cư không ngừng tăng lên đã dẫn đến tình trạng trên.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Anh Việt, Tổng giám đốc Viwaco, hơn 1 tháng sau khi bàn giao nhà cho khách hàng, chủ đầu tư mới ký hợp đồng cung ứng nước sạch với Viwaco nên nội tình liên quan đến việc cấp nước bên trong khu đô thị như thế nào, công ty hoàn toàn không rõ. Trong khi đó, theo thông lệ, ngay từ giai đoạn lập dự án tiền khả thi, chủ đầu tư phải liên hệ với phía công ty cung cấp nước sạch để đơn vị này xem xét các điều kiện về quy mô dân số, diện tích, nhằm có sự tư vấn về hệ thống đường ống nước và tính toán về lượng nước.

Theo hợp đồng được ký kết, Viwaco đảm bảo cung cấp nước 24/24 giờ qua đồng hồ tổng, còn việc cấp nước đến khách hàng trong khu đô thị sẽ do chủ đầu tư chịu trách nhiệm. Hiện năng lực cấp nước của doanh nghiệp này cho khu đô thị Đại Thanh đảm bảo tối đa ở mức 1.800m3/ngày, đêm. Nhưng năng lực trong hệ thống của khu đô thị không đủ để tiếp nhận, nên bình quân lượng nước vào khu này chỉ đạt 1.300-1.400m3/ngày, đêm, thậm chí có những thời điểm chỉ 1.100m3, hụt tới 700m3 nước, tương đương với 2 tòa nhà không có nước sinh hoạt.

Tình cảnh thường xuyên ở khu đô thị Đại Thanh hiện nay. Ảnh: HOÀI TRÂM

Tình cảnh thường xuyên ở khu đô thị Đại Thanh hiện nay. Ảnh: HOÀI TRÂM

Theo các chuyên gia, một trong những lý do dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng của khu đô thị này xuất phát từ chính lợi thế giá rẻ. Để tiết kiệm chi phí, chủ đầu tư chỉ lắp đặt một đường ống nối để tiếp nhận nước từ đồng hồ tổng của Viwaco vào cho cả 6 tòa nhà. Nếu đúng như phương án này, nước chỉ chảy được nhiều ở các bể đầu nguồn, còn các bể cuối nguồn không có nước. Việc này chỉ được khắc phục khi chủ đầu tư cho lắp đặt thêm các đường ống nước chạy song song hoặc phương pháp thủ công hơn là lắp đặt hệ thống bơm hút nước từ bể đầu nguồn vào các bể khác.

Chủ đầu tư cũng đã xoay xở khi tìm thêm nguồn cung cấp nước khác ngoài Viwaco là Nhà máy nước Thanh Trì, đồng thời thi công thêm một tuyến đường ống dài khoảng 1,3 km để gia tăng áp lực nước đến khu đô thị, tuy nhiên vì chưa xong nên tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Ngoài vấn đề thiếu nước, chủ đầu tư còn phải đối mặt với việc thất thoát nguồn nước khi chỉ số công tơ do Viwaco cung cấp tháng 5 là 45.800m3, trong khi hóa đơn sử dụng nước Viwaco thu được của 3.500 hộ dân chỉ 32.000m3, chênh lệch gần 13.000m3. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều cư dân, rất nhiều hộ dân không hề có hóa đơn tiền nước dù họ vẫn thanh toán đầy đủ cho chủ đầu tư. Ngoài ra, điều này còn làm dấy lên nghi ngờ chủ đầu tư đã sử dụng nguồn nước sạch này cho các mục đích không chính đáng khác.

(Còn tiếp)

Các tin khác