Thiên đường né thuế mới (K1): Singapore-Thụy Sĩ châu Á

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và châu Âu bắt đầu mở “cuộc chiến chống trốn thuế”, khiến truyền thống bí mật ngân hàng của các thiên đường né thuế như Thụy Sĩ bị đe dọa bởi các ký kết hợp tác giữa giới chức Hoa Kỳ với châu Âu, nên dòng tiền né thuế phải đổi hướng.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và châu Âu bắt đầu mở “cuộc chiến chống trốn thuế”, khiến truyền thống bí mật ngân hàng của các thiên đường né thuế như Thụy Sĩ bị đe dọa bởi các ký kết hợp tác giữa giới chức Hoa Kỳ với châu Âu, nên dòng tiền né thuế phải đổi hướng.

Dòng tiền né thuế đổi hướng

Sau khi các ngân hàng lớn ở Phố Wall và sông Thames bị chấn động bởi cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều nhà đầu tư chuyển sự chú ý sang châu Á. Cùng lúc, chính quyền tại Hoa Kỳ và châu Âu bắt đầu tuyên chiến với hoạt động trốn thuế, đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các “thiên đường né thuế” truyền thống, khiến rất nhiều người siêu giàu chuyển tài sản của mình đến Singapore.

Theo Elbert Pattijn, Giám đốc rủi ro của Ngân hàng DBS - ngân hàng lớn nhất Singapore, “Singapore hiện là một trong các hệ thống tài chính ổn định bậc nhất thế giới, và cũng là một trong những hệ thống ngân hàng bảo mật cao nhất. Chính vì vậy đã kéo sự an toàn của các giới chức siêu giàu thế giới chú ý”.

Betriebs-Center für Banken (BCB), một chi nhánh Postbank của Đức, dự đoán Singapore có khả năng trở thành trung tâm quản lý tài sản nước ngoài quan trọng thứ hai của thế giới, sau Thụy Sĩ, vào năm 2017.

Theo CNN, thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Anh WealthInsight cho biết năm 2000 ngành ngân hàng Singapore chỉ quản lý khoảng 50 tỷ USD tài sản. Nhưng đến năm 2011 con số này đã tăng vọt lên 550 tỷ USD, một tỷ lệ tăng trưởng cực nhanh.

Khoảng 450 tỷ USD thuộc về các khách hàng ở nước ngoài, biến Singapore thành trung tâm ngân hàng nước ngoài toàn cầu lớn thứ tư trên thế giới sau Thụy Sĩ, Anh và vùng Caribbean. Báo cáo Offshore Leaks của Hiệp hội Quốc tế các Nhà báo điều tra (ICIJ) cũng đặt Singapore ở vị trí cao trong bảng xếp hạng các nước thu hút dòng tiền né thuế.

Báo Đức Spiegel cũng trích lời một luật sư Đức cho rằng có một lượng lớn tiền bạc không có nguồn gốc rõ ràng từ các nước xung quanh được gửi tại Singapore. Công ty tư vấn có uy tín BCG ước tính rằng 14% trong số gần 1.000 tỷ USD tài sản nước ngoài đang được quản lý tại Singapore và Hồng Công đến từ châu Âu.

Singapore phản pháo

Những điều tiếng từ các tổ chức nước ngoài thực sự đang tạo sức ép lên chính phủ Singapore. Hiện Chính phủ và Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đang dùng một phương pháp tiếp cận tích cực hơn để cải thiện hình ảnh của thị quốc.

Theo Giám đốc MAS Ravi Menon, thật là một nhận thức sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng có một dòng chảy lớn từ các quỹ châu Âu đến các trung tâm châu Á như Singapore. Hơn nữa, báo cáo Offshore của ICIJ cho đến nay vẫn không cho thấy bất kỳ hành vi sai trái nào.

Từ năm 2009, Singapore đã thông qua tiêu chuẩn tự động trao đổi thông tin thuế của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) và tích hợp nó vào tất cả các điều ước đánh thuế 2 lần.

Trong tháng 10-2011, Ravi Menon ra lệnh cho các ngân hàng phải đảm bảo khách hàng hiện tại phù hợp với các tiêu chuẩn trong tương lai. Kể từ ngày 1-7-2013, việc cố ý trốn thuế và gian lận thuế bị xếp vào hành vi phạm tội hoạt động rửa tiền. Hiện Singapore sắp ký kết một thỏa thuận liên chính phủ tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính Singapore hợp tác với Luật FATCA của Hoa Kỳ.

FATCA sẽ yêu cầu các ngân hàng tại Singapore tự động truyền dữ liệu về tài khoản của công dân Hoa Kỳ cho chính quyền Hoa Kỳ. Ông Menon cũng cho biết Singapore đang chuẩn bị tham gia đàm phán với Liên minh châu Âu về việc tự động trao đổi thông tin.

Chưa thực sự minh bạch

Tuy nhiên, Singapore bị chỉ trích rằng vẫn chừa lỗ hổng cho dòng tiền từ nước ngoài. Chẳng hạn, Singapore không đánh thuế đối với tài sản thừa kế hoặc tăng vốn. Điều này có nghĩa một người nước ngoài có thể trốn thuế bằng cách di chuyển thừa kế của mình đến Singapore.

Singapore Fountain of Wealth, đài phun nước biểu tượng sự may mắn, giàu có.

Singapore Fountain of Wealth, đài phun nước biểu tượng sự may mắn, giàu có.

Mức thuế suất của Singapore được cho là thấp hơn so với bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Mức thuế suất tối đa chỉ 20% và các doanh nghiệp chỉ phải trả một tỷ lệ cao nhất 17%.

Ngoài ra, từ năm ngoái chính phủ loại trừ hoạt động chế biến vàng và kim loại quý khác trong bảng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), nhờ đó càng thu hút việc buôn bán kim loại quý ở đảo quốc. Những người nước ngoài giàu có rất khen ngợi khu cảng miễn thuế tương lai tại sân bay, nơi họ có thể mua và dự trữ vàng miễn thuế và không nộp thuế.

Singapore đứng ở vị trí cao trong bảng xếp hạng Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đặc biệt xét về sự cương quyết của luật pháp và chống tham nhũng.

Nhưng Kenneth Jeyaretnam, một nhà kinh tế và là Tổng thư ký của đảng Cải cách đối lập, nói: “Singapore luôn là một thiên đường thuế, một ký sinh trùng của hệ thống tham nhũng bao quanh nó”.

Singapore thiếu sự giám sát của Quốc hội đối với nền kinh tế và việc triển khai luật chống tham nhũng. Chính phủ và nền kinh tế đan xen chặt chẽ, một mối quan hệ được củng cố bởi sự ảnh hưởng của các dòng họ quyền lực, những lực lượng kiểm soát đáng kể trong chính trị và kinh tế trong nhiều thập kỷ.

Thủ tướng Lý Hiển Long là chủ tịch của quỹ đầu tư quốc gia GIC, trong khi vợ ông, Ho Ching, quản lý quỹ đầu tư quốc gia thứ hai là Temasek. Là một cổ đông lớn, Temasek chi phối ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á là DBS.

(Còn tiếp)

Các tin khác