Bấp bênh kinh tế toàn cầu (K1): Các đầu tàu đuối sức

Đã 5 năm trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu bùng phát dữ dội vào tháng 9-2008, kinh tế thế giới hiện vẫn ở vào tình trạng hết sức bấp bênh. Những dữ liệu từ các nền kinh tế chủ chốt như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU vẫn yếu kém, trong khi các nước mới nổi chứng kiến suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng.

Đã 5 năm trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu bùng phát dữ dội vào tháng 9-2008, kinh tế thế giới hiện vẫn ở vào tình trạng hết sức bấp bênh. Những dữ liệu từ các nền kinh tế chủ chốt như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU vẫn yếu kém, trong khi các nước mới nổi chứng kiến suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng.

Từng được kỳ vọng là những đầu tàu giúp kéo kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn sau khủng hoảng, các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt khối BRIC, nay lại chật vật tìm cách duy trì tăng trưởng. Sự đuối sức của các đầu tàu này dự báo có thể khiến trì trệ cả nền kinh tế thế giới.

BRIC sa lầy

Các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) dù là các nền kinh tế đang phát triển và mới được công nghiệp hóa (trừ Nga) nhưng được đặt nhiều kỳ vọng vì có dân số đông (gần 3 tỷ người), GDP lớn (14.574 tỷ USD - 20,4% GDP toàn cầu) và tăng trưởng nhanh.

Tuy nhiên, trong số báo ra ngày 27-7, tạp chí kinh tế uy tín Economist có bài viết nhan đề “Các nền kinh tế mới nổi: Đại giảm tốc”, trong đó ví khối BRIC như những vận động viên dẫn đầu trên đường đua chạy nước rút đang bị sa lầy.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khối, từng chứng kiến tốc độ tăng trưởng 2 con số trong thập niên trước, nhưng sẽ rất may mắn nếu có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm nay. Trong khi đó, tăng trưởng của Brazil trong nửa đầu năm gần như bằng 0; tăng trưởng quý II của Ấn Độ chỉ đạt 3,94%, mức thấp nhất 10 năm; Nga dự báo chỉ tăng trưởng 2,5%.

Tại Brazil, nước này từng tăng tốc ngoạn mục nhờ bùng nổ sản xuất hàng hóa và tín dụng trong nước. Tuy nhiên, nay người dân đang gánh chịu những mức lãi suất cao nhất thế giới đối với thẻ tín dụng, trong khi thuế cao và đầu tư toàn nền kinh tế thấp.

BRICs và các nước mới nổi đều chứng kiến giảm tốc tăng trưởng.

BRICs và các nước mới nổi đều chứng kiến giảm tốc tăng trưởng.

Với Ấn Độ, quốc gia từng có GDP tăng gần gấp đôi qua hàng năm, hạ tầng yếu kém là một trong những điểm yếu nhất của nền kinh tế suốt nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa được khắc phục do tình trạng tham nhũng tràn lan khiến việc thi công các công trình chậm chạp và tốn kém.

Gần đây, đồng rupee mất giá nghiêm trọng càng khiến nền kinh tế mất thêm sức cạnh tranh. Ở Trung Quốc, các nhà lãnh đạo mới đang cố điều chỉnh lại các động lực kinh tế, với hy vọng chuyển dần mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang dựa vào tiêu thụ nội địa.

Tuy nhiên, thời kỳ bùng nổ tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng đã dẫn đến những rủi ro được cảnh báo từ lâu, đó là tình trạng “ngân hàng ngầm” và nợ ngoài tầm kiểm soát, cũng như việc hình thành bong bóng bất động sản. Cơn chấn động tiền mặt gần đây (xem ĐTTC số 637-638, trang 17) được xem là một cảnh báo đáng lo ngại.

Ngoài ra, đầu máy kinh tế chính hiện nay của Trung Quốc là xuất khẩu đã mất dần lực kéo vì dân số đang già đi nhanh chóng, cả nước sẽ có ít công nhân hơn. Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn vì đang ngày một thịnh vượng hơn nên khoảng cách để bắt kịp tốc độ tăng trưởng sẽ được rút ngắn lại. 10 năm trước, GDP đầu người của Trung Quốc bằng 8% so với Hoa Kỳ (tính theo ngang giá sức mua PPP), nay đã là 18%.

Trung Quốc sẽ tiếp tục cuộc đuổi bắt, nhưng với một tốc độ chậm hơn. Với Nga, tăng trưởng của nước này chủ yếu dựa vào việc bán tài nguyên, mà cụ thể là năng lượng. Nay, sự èo uột trong sản xuất toàn cầu chắc chắn khiến nhu cầu tiêu thụ cũng như giá năng lượng giảm.

Châu Á suy giảm

Nhìn toàn cầu, khu vực châu Á, đặc biệt các nước mới nổi, vẫn là một điểm sáng hiếm hoi nhờ nhu cầu nội địa có tiềm năng lớn, dự trữ vốn và ngoại tệ cao, trong khi vẫn đang ở trong quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, do các đối tác kinh tế chính như châu Âu và Nhật Bản đều ở trong suy thoái, nên tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm ngoái bắt đầu chậm hẳn lại.

Năm 2012, GDP thực tế của toàn châu Á tăng bình quân 5,5%, cao hơn nhiều so với GDP toàn cầu nhưng là mức chậm nhất của khu vực trong vòng 1 thập niên qua. Trong năm nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 7 dự báo tăng trưởng GDP của 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) chỉ ở mức 5,6%, thấp hơn dự báo 5,9% đưa ra hồi tháng 4. 

“Rủi ro cũ vẫn còn, trong khi rủi ro mới lại xuất hiện, dự báo các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng chậm lại trong một thời gian dài hơn” - IMF nhận xét. Những rủi ro chính IMF đưa ra gồm tiềm năng tăng trưởng thấp, tín dụng chậm chạp và các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn.

Tương tự, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm 16-7 cũng hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay và năm sau của 45 nước thành viên đang phát triển xuống lần lượt 6,3% và 6,4%, từ mức 6,6% và 6,7% trong dự báo trước. Một trong những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng khu vực chậm lại, theo ADB, là sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.

ADB dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ càng ngày càng chậm, 7,7% trong năm nay và 7,5% trong năm tới. HSBC công bố chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Indonesia trong tháng 6 rơi xuống mức thấp nhất 6 tháng, trong khi chỉ số này của Việt Nam suýt chạm mức thấp thứ 3 từ trước đến nay. Tại Đài Loan, PMI cho thấy hoạt động sản xuất giảm liền 2 tháng.

(Còn tiếp)

Các tin khác