Vượt thoát khủng hoảng: VCF tận dụng cốt lõi, không đa ngành

Thay cho trào lưu đa ngành, CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF) đã chú trọng phát triển các sản phẩm cốt lõi dựa trên lợi thế và thương hiệu sẵn có. và hiệu quả đã được minh chứng.

Thay cho trào lưu đa ngành, CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF) đã chú trọng phát triển các sản phẩm cốt lõi dựa trên lợi thế và thương hiệu sẵn có. và hiệu quả đã được minh chứng.

Mở lối tiên phong

Tiền thân của VCF là Nhà máy Cà phê Coronel, được thành lập vào năm 1969 bởi ông Marcel Coronel (quốc tịch Pháp) cùng vợ là bà Trần Thị Khánh.

Mục đích của nhà máy là giảm chi phí vận chuyển cà phê thô về Pháp. Nhà máy Cà phê Coronel có công suất thiết kế 80 tấn cà phê hòa tan/năm, với toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị được nhập khẩu từ Đức.

Thời điểm lúc bấy giờ, Nhà máy Cà phê Coronel được đánh giá là nhà máy chế biến cà phê hòa tan đầu tiên trên toàn Đông Dương. Sau năm 1975 được đổi tên thành Nhà máy Cà phê Biên Hòa với các sản phẩm mang thương hiệu Vinacafé, chủ yếu xuất khẩu sang các nước Đông Âu.

Tầm nhìn của VCF đến 2016 là thống lĩnh thị trường cà phê Việt Nam với 80% thị phần cà phê hòa tan và 51% thị phần cà phê rang xay, các ngành hàng khác ngoài cà phê chiếm ít nhất 51% thị phần; trở thành 1 trong 3 công ty niêm yết lớn nhất trong ngành thực phẩm - đồ uống.

Ông ĐOÀN ĐÌNH THIÊM,
Chủ tịch HĐQT VCF

Năm 1990, Vinacafé chính thức quay trở lại thị trường trong nước, nhưng lần trở về “sân nhà” này lại không được suôn sẻ do trước đó thị trường cà phê đã được định hình bởi thói quen uống cà phê rang xay.

Tuy nhiên, với giải pháp đưa đường và bột kem vào cà phê hòa tan, đóng sẵn từng gói nhỏ đã giúp người Việt Nam lần đầu tiên được thỏa mãn phương thức uống cà phê mang phong cách hiện đại. Thay vì chờ đợi cà phê nhỏ giọt qua phin hàng giờ để có được ly cà phê sữa, sản phẩm cà phê hòa tan 3 trong 1 thương hiệu Vinacafé nhanh chóng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Nhà máy Cà phê Biên Hòa đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày 29-12-2004, Nhà máy Cà phê Biên Hòa chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang CTCP, nhất trí đặt tên mới CTCP Vinacafé Biên Hòa. Đây cũng là thời điểm mở ra một chương mới cho lịch sử VCF với việc hoạch định lại chiến lược phát triển và xác định những giá trị cà phê Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Lướt qua khủng hoảng

Việc xác định tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi thay vì mở rộng theo hướng đa ngành đã góp phần tạo nên mức tăng trưởng khá ấn tượng của VCF trong nhiều năm liền, luôn đạt mức tăng trưởng liên tục trên 2 con số kể từ ngày cổ phần hóa, riêng giai đoạn 2009-2010, VCF đạt mức tăng trưởng trên 23%.

VCF thành công ngoài tưởng tượng nhờ giữ vững lợi thế cốt lõi.

VCF thành công ngoài tưởng tượng nhờ giữ vững lợi thế cốt lõi. 

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam 2011 được đánh giá là năm khó khăn nhất kể từ năm 1990 đến nay nhưng VCF vẫn dễ dàng vượt qua nhiều thách thức lớn để duy trì đà tăng trưởng ổn định, nhờ khả năng dự báo tốt biến động giá cà phê nguyên liệu và lập kế hoạch trữ nguyên liệu hợp lý.

Theo BCTC năm 2011, doanh thu thuần của VFC đạt 1.585 tỷ đồng (tăng 21,8% so với 2010), lợi nhuận sau thuế đạt 211 đồng (tăng 30,7% so với 2010).

Đây là kết quả hết sức ấn tượng, thậm chí ngoài sức tưởng tượng của giới đầu tư, bởi năm 2011 là năm giá cà phê nguyên liệu lên cao nhất kể từ 1992. Giá nhiên liệu tăng và ảnh hưởng kinh tế toàn cầu đã làm cho hàng loạt yếu tố đầu vào tăng cao. Trước tình hình đó, VCF đã yêu cầu các nhà cung cấp cùng chia sẻ khó khăn, hạn chế tăng giá nguyên liệu, hoặc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu khác, kể cả nhập khẩu để có được nguyên liệu đầu vào giá tốt nhất.

Song song đó, VCF thực hiện chính sách kiểm soát giá nguyên liệu đầu vào nhằm tối thiểu mức tăng giá thành bằng cách triển khai chậm lại một số dự án như đầu tư nâng cấp hệ thống phân phối và liên tục tung ra sản phẩm mới. Đặc biệt, HĐQT của VCF đã quyết định chuyển hướng mục tiêu ưu tiên cao nhất bảo đảm lợi nhuận cho các cổ đông, đưa mục tiêu về sản lượng và doanh thu xuống vị trí quan trọng số 2.

Với sự chuyển hướng kịp thời này, lợi nhuận sau thuế năm 2011 của VCF tăng 51,7% so với kế hoạch. Lãi cơ bản của mỗi CP tăng 30,6%, từ 6.079 đồng/CP trong năm 2010 lên 7.943 đồng/CP trong năm 2011. Theo BCTC quý III-2012, lũy kế doanh thu 9 tháng của VCF đạt 1.386 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 152,16 tỷ đồng.

Đỉnh của đỉnh

Ngày 28-1-2011, hơn 26,5 triệu cổ phần của VCF được chính thức giao dịch trên sàn HOSE với giá khởi điểm 50.000 đồng/CP. Được đánh giá khá cao nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng nên dù lên sàn trong bối cảnh TTCK không được thuận lợi, nhưng VCF vẫn không bị tác động nhiều.

Đến tháng 9-2011, khi CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consummer) chào mua công khai hơn 50% vốn điều lệ của VCF thì CP của doanh nghiệp này trở thành đối tượng săn tìm của NĐT. Việc Masan Consummer trở thành cổ đông chính sẽ giúp cho VCF nâng cao khả năng cạnh tranh và trở thành đối thủ đáng gờm của các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực như: Nescafé, Trung Nguyên, Tân Hiệp Phát, Ajinomoto Việt Nam.

Theo phân tích của giới đầu tư, Masan là tập đoàn kinh doanh thực phẩm nhiều kinh nghiệm trong việc mở rộng và chiếm lĩnh thị phần. Nhận định này dựa trên bài học thành công của tập đoàn này khi vươn lên dẫn đầu thị phần về sản phẩm nước chấm gia vị trong thời gian ngắn.

Thông tin tốt này cộng với kết quả kinh doanh năm 2012 tiếp tục khả quan đã giúp cho VCF trở thành hiện tượng của TTCK với mạch tăng phi mã. Cho đến phiên giao dịch cuối tuần trước, mã VCF đang chốt ở mức khủng 149.000 đồng/CP (cao nhất trên TTCK hiện nay).

Theo BCTC quý III-2012, doanh thu thuần trong quý này tiếp tục tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước khi đạt gần 550 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 48,78 tỷ đồng (tăng 22,87%). Tuy nhiên, sau khi leo mức giá cao chót vót này, thanh khoản của VCF tụt giảm mạnh khiến VCF trở thành cuộc chơi của các đại gia.

Các tin khác