Vượt thoát khủng hoảng: BMP lợi thế từ ổn định

Bất chấp thị trường xây dựng-bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), chuyên sản xuất nhựa vật liệu xây dựng, vẫn duy trì kết quả kinh doanh rất tích cực.

Bất chấp thị trường xây dựng-bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), chuyên sản xuất nhựa vật liệu xây dựng, vẫn duy trì kết quả kinh doanh rất tích cực.

Giữ vững thị phần

Năm 2011, BMP đạt 1.826 tỷ đồng doanh thu (DT) và 384 tỷ đồng lợi nhuận (LN) trước thuế. Trước tình hình khó khăn của thị trường xây dựng-bất động sản trong năm 2012, BMP vẫn đặt chỉ tiêu 1.850 tỷ đồng DT và 350 tỷ đồng LN trước thuế, chỉ giảm nhẹ so với những gì đạt được năm trước. Từ đầu năm đến cuối quý III, DT lũy kế của BMP đã xấp xỉ 1.400 tỷ đồng, tương đương 75% kế hoạch, LN trước thuế đạt gần 260 tỷ đồng, hoàn thành gần 75% kế hoạch.

Do vốn điều lệ của BMP không quá lớn, chỉ xấp xỉ 350 tỷ đồng, trong khi LN làm ra lại gần bằng mức này khiến BMP có EPS cao, tỷ lệ chia cổ cũng như nguồn tích lũy khá lớn. EPS sau 9 tháng của BMP đã lên đến gần 7.500 đồng/CP, trong khi đó khoản mục LN sau thuế chưa phân phối tính đến 30-9 đạt hơn 150 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển đạt hơn 600 tỷ đồng.

Cách đây khoảng 2 tháng, BMP đã tiến hành chia cổ tức với tỷ lệ 30% (3.000 đồng/CP). So với mức giá 4.0-4.5 của BMP thời đó, tỷ lệ cổ tức/thị giá của CP này không cao, tuy nhiên tìm được một doanh nghiệp bỏ ra cả trăm tỷ đồng chia cổ tức lúc này không phải là điều dễ dàng. Cho dù thị giá của BMP “hơi” cao so với mặt bằng hiện nay, nhưng nếu công ty vẫn duy trì được dòng cổ tức ổn định thì đây vẫn là một CP hấp dẫn.

Có khá nhiều nguyên nhân lý giải cho sự ổn định của BMP bất chấp thị trường vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Đầu tiên là việc công ty gần như không sử dụng vốn vay, tính đến 30-9, BMP chỉ có vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng vay ngắn hạn và không có khoản vay dài hạn nào, nên không phải chịu áp lực về lãi suất vay.

Điểm kế tiếp là cho dù quy mô của thị trường trong năm 2012 khó có thể mở rộng do khó khăn chung của ngành xây dựng-bất động sản, nhưng với vị thế của mình, BMP hoàn toàn có thể giữ vững thị phần (số 1 tại khu vực phía Nam với khoảng 50% và 30% cả nước) và lấy thị phần từ những công ty nhỏ hơn. 

Quản trị chặt chẽ

Điểm đáng nói ở đây là tỷ lệ sở hữu của các lãnh đạo BMP khá thấp, mỗi người chỉ trên dưới 1%, nhưng lại được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, tận tâm với cổ đông. Nhờ vậy, hệ thống quản trị của BMP được vận hành rất chặt chẽ. Mới đây, BMP đã công bố thông tin về việc ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của BMP, từ nhiệm vị trí TGĐ và ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch HĐQT, sẽ đảm nhận vị trí của ông Doanh vừa từ nhiệm.

Dây chuyền sản xuất nhựa Bình Minh.

Dây chuyền sản xuất nhựa Bình Minh. 

Nhiều người vẫn quen với dấu ấn của ông Lê Quang Doanh trên cương vị đứng đầu BMP cũng có đôi chút bất ngờ với thông tin này. Theo tìm hiểu của ĐTTC, việc chuyển giao vị trí của ông Doanh (ở tuổi 60) đã được chuẩn bị từ vài năm trước.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân (50 tuổi) đã được “đào luyện” tại nhiều vị trí khác nhau, gần nhất là vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nhựa Bình Minh miền Bắc. Ông Lê Quang Doanh vẫn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT trong khi ông Ngân nắm cương vị quan trọng nhất trong điều hành sẽ tiếp tục duy trì bộ máy quản trị của BMP, tránh những xáo trộn không đáng có.

Hiện nay, cơ cấu cổ đông của BMP gồm có SCIC (chiếm hơn 29%), The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd của Thái Lan chiếm hơn 20%, bên cạnh đó là một số quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Thông thường với một doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh, hệ thống quản trị chặt chẽ sẽ ít xảy ra những biến cố, xung đột giữa các cổ đông, tất cả cùng vui vì công ty mình bỏ tiền vào đang ăn nên làm ra.

Nhưng nói như vậy không đồng nghĩa với việc loại trừ hẳn những vấn đề kiểu như cổ đông lớn đề xuất yêu cầu chia cổ tức với tỷ lệ cao hơn để thu được thêm tiền về cho mình. Chia cổ tức với tỷ lệ cao đồng nghĩa với việc nguồn lợi nhuận tích lũy của công ty sẽ phần nào sụt giảm. Trong khi đó, cũng có thể có những cổ đông thích doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, gia tăng giá trị công ty và như vậy họ cũng được hưởng lợi từ giá CP của mình.

CP dành cho NĐT lớn

Trong con mắt của NĐT cá nhân, BMP là một CP khá “trầm”, lãnh đạo của công ty ít khi xuất hiện trên truyền thông để chia sẻ thông tin, tạo ra sự gắn kết với NĐT, với các cổ đông. Mức giá 4.0 của BMP hiện nay cũng là một rào cản đáng kể đối với nhiều NĐT cá nhân dù công ty có EPS cao, tỷ lệ cổ tức cao. Nếu nói BMP là CP chỉ dành cho những NĐT lớn cũng không có gì quá đáng.

Trong điều kiện rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, những khoản đầu tư vào một doanh nghiệp hiệu quả như BMP sẽ càng được NĐT lớn tập trung nắm giữ. Mỗi ngày thanh khoản của BMP chỉ đạt vài chục nghìn CP, CP này cũng thường không nổi sóng, tất nhiên NĐT cá nhân sẽ khó có thể ưa chuộng.

Về dài hạn, tiềm năng phát triển của BMP là rất rõ ràng khi nước ta vẫn phải tiếp tục phát triển các cơ sở hạ tầng cũng như thị trường bất động sản. Thương hiệu, bộ máy quản trị ổn định sẽ tiếp tục giúp BMP gia tăng thị phần của mình trong giai đoạn hiện nay.

Nhưng tất cả những điều này đã được cả thị trường nhìn ra và phản ánh vào giá của BMP. Như vậy, để tạo được một sự đột phá, ngoài việc làm tốt phần việc của mình, BMP cũng phải chờ đợi vào diễn biến của thị trường chung. Nói cách khác, sức bật của BMP trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào thị trường, mà đây lại là yếu tố công ty không thể kiểm soát được. Trong trường hợp thị trường tiếp tục khó khăn, việc BMP giữ vững được vị thế của mình cũng có thể xem là điểm tích cực.

Các tin khác