Giải quyết nợ xấu-Kinh nghiệm từ các nước (kỳ 1)

“Đại ứng cứu” của Hoa Kỳ

“Đại ứng cứu” của Hoa Kỳ 

Nợ xấu không chỉ là “cục máu đông”, mà có thể biến thành “máu trắng”, hủy hoại cả nền kinh tế. Điều này đã được minh chứng qua cuộc khủng hoảng nợ đang hoành hành tại eurozone, nơi các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia... đang lao đao và hệ thống ngân hàng có nguy cơ sụp đổ vì nợ xấu. Để góp thêm cái nhìn về vấn đề nhức nhối này, ĐTTC ghi nhận lại những nỗ lực và kinh nghiệm từ các nước trên thế giới.

Là nơi khởi nguồn của 2 cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính lớn nhất trong vòng 50 năm qua, Hoa Kỳ có rất nhiều kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng và nợ xấu. Qua những cuộc “đại ứng cứu” của nước này, chúng ta có thể rút ra được những bài học hữu ích trong việc giải quyết nợ xấu.

TARP

Ra đời từ tháng 10-2008, TARP là tên gọi tắt của chương trình ứng cứu kinh tế-tài chính lớn nhất từ trước đến nay của Hoa Kỳ, với số tiền dự kiến ban đầu lên đến 700 tỷ USD. Điểm mấu chốt của chương trình là thông qua Đạo luật Bình ổn kinh tế khẩn cấp 2008 để cấp quyền cho Bộ Tài chính được mua lại nợ xấu từ các định chế cho vay.

Các loại nợ này bao gồm nợ thế chấp, nợ vay mua ô tô, nợ sinh viên và các loại nợ khác. Với việc mua lại nợ xấu của Bộ Tài chính, các nhà cho vay được nhận một lượng lớn tiền mặt, giúp tăng tính thanh khoản, phục hồi hoạt động cho vay và giúp dòng tiền luân chuyển trở lại trong nền kinh tế.

Chương trình còn bơm hàng trăm tỷ USD vào hệ thống ngân hàng thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu và đầu tư chiến lược ở các ngân hàng; hỗ trợ ngành bất động sản và ô tô, trong đó có việc mua cổ phần ưu đãi ở General Motors và Chrysler.

Nợ của Fannie Mae và Freddie Mac được ví như 2 ngọn núi lửa.

Nợ của Fannie Mae và Freddie Mac được ví như 2 ngọn núi lửa.

Ngân sách của chương trình được huy động từ nhiều nguồn, bao gồm việc phát hành trái phiếu và hối phiếu chính phủ. Bộ Tài chính cũng có kế hoạch in thêm tiền mặt, trong khi một số loại thuế đối với doanh nghiệp và cá nhân bị tăng lên.

Để bù đắp việc tăng thuế, lãi suất được duy trì ở mức thấp cận zero nhằm tạo môi trường thân thiện kinh doanh. Ngoài ra, chương trình còn nhắm tới việc cải thiện niềm tin tiêu dùng, từ đó giúp hàng hóa sản xuất ra được tiêu thụ nhanh hơn, doanh nghiệp xoay vòng đồng vốn nhanh hơn, trả nợ nhanh hơn...

Theo ước tính đến đầu năm 2012, Bộ Tài chính đã chi 414,3 tỷ USD trong Chương trình Giải cứu tài sản xấu của TARP và thu về được 331 tỷ USD từ cổ tức, lãi suất, hoạt động chuyển nhượng và các khoản thu khác.

Cũng trong cuộc khủng hoảng 2007-2008, Chính phủ Hoa Kỳ đã có những cuộc ứng cứu “khủng” ngoài chương trình TARP, gồm việc ứng cứu Bear Stearns, Fannie Mae - Freddie Mac và AIG. Vào tháng 4-2008, Chính phủ Hoa Kỳ đã ứng cứu Bear Stearns bằng việc cho JPMorgan Chase vay 29 tỷ USD để mua lại định chế này với giá chỉ 10USD/cổ phiếu, rẻ mạt so với mức 133,2USD/cổ phiếu của Bear Stearns trước đó.

Thương vụ này bị chỉ trích đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD cho cổ đông/nhà đầu tư, trong khi lại quá hời cho JPMorgan. Cuối mùa hè năm 2008, Chính phủ Hoa Kỳ quyết định chi tới 200 tỷ USD để ứng cứu 2 nhà khổng lồ cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac. Qua đó, chính phủ nắm quyền kiểm soát 2 công ty này, đồng thời bảo đảm 100 tỷ USD tín dụng cho mỗi công ty.

FED đã mua tổng cộng 47 tỷ USD nợ của Fannie Mae và Freddie Mac; Bộ Tài chính mua 14 tỷ USD cổ phiếu và 71 tỷ USD chứng khoán hỗ trợ bằng tài sản thế chấp của 2 công ty này; FED cũng gia tăng thời hạn các khoản cho vay đối với Fannie Mae và Freddie Mac. Một cuộc đại ứng cứu khác diễn ra vào tháng 9-2008, khi Chính phủ Hoa Kỳ quyết định cho American International Group (AIG) vay 85 tỷ USD.

Đại khủng hoảng

Đại khủng hoảng là tên gọi cuộc khủng hoảng kéo dài theo sau sự sụp đổ thị trường chứng khoán ở Hoa Kỳ năm 1929. Khi lên nắm quyền vào năm 1933, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã khởi động một chương trình ứng cứu lịch sử. Vào lúc đó, tỷ lệ thất nghiệp toàn Hoa Kỳ lên tới gần 25%, vô số người bị mất việc và mất nhà, đặc biệt số người mất nhà ở nông thôn tăng chóng mặt.

Để giải quyết, chính phủ thành lập Tổng công ty Cho vay chủ sở hữu nhà (HOLC). Công ty này mua lại các khoản vay thế chấp đã vỡ nợ từ các ngân hàng và định lại lãi suất thấp hơn, giúp khoảng 1 triệu chủ nhà được hưởng lợi do có thể trả lãi vay mua nhà thấp hơn trong một khoảng thời gian dài (thường là 15 năm). Vì không có thị trường thứ cấp để bán lại loại nợ này, chính phủ đã giữ chúng cho đến khi người dân trả hết nợ.

Trong xử lý khủng hoảng tiền gửi năm 1989, các định chế tiết kiệm và cho vay của Hoa Kỳ (S&L) được thành lập để cung cấp các khoản vay thế chấp cho người mua nhà vào thời hậu thế chiến II. Các S&L thường trả lãi suất cao hơn một ít so với các ngân hàng khi huy động tiền gửi, họ cũng thường áp dụng các gói ưu đãi và tặng quà cho khách hàng đi vay để cạnh tranh với ngân hàng.

Với các chính sách này, chẳng bao lâu các S&L đã ngập tràn tiền mặt, và bắt đầu tham gia vào thị trường bất động sản thương mại. Do ít bị chính phủ quản lý, các S&L có khuynh hướng mạo hiểm khá lớn. Cùng lúc, chính phủ tăng lãi suất tiền gửi, khiến các S&L nhanh chóng rơi vào khủng hoảng.

Từ năm 1986-1995, hơn 1.600 S&L bị phá sản, tiền vỡ nợ lên đến hàng tỷ USD, chưa kể tiền gửi tiết kiệm được chính phủ bảo hiểm. Để giải quyết cuộc khủng hoảng, Đạo luật Cải tổ, phục hồi và giám sát các định chế tài chính 1989 (FIRREA) ra đời, thông qua việc bơm 293,3 tỷ USD để mua lại các khoản cho vay của các S&L và quản lý các khoản tiết kiệm từ các định chế này.

Để thực hiện điều này, chính phủ đã thành lập mới nhiều cơ quan, định chế, công ty như Công ty Quyết định Tín thác (RTC), Quỹ Bảo hiểm hiệp hội tiền gửi (SAIF), Hội đồng Tài chính Nhà ở liên bang (FHFB)...

(Còn tiếp)

Các tin khác