Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 12)

VOS - Con tàu mắc cạn

VOS - Con tàu mắc cạn

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển, nhưng hình ảnh CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) hiện nay không khác gì “con tàu đang bị mắc cạn trên đống nợ” do làm ăn thua lỗ kéo dài.

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 1): PVX - Hành trình đến cổ phiếu bèo

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 2): VCG – Gánh nặng nợ vay

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 3): GTT - Càng phình to, càng đuối sức

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 4): Sông Đà - Từ tham vọng đến thất vọng

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (Bài 5): SAM - Tương lai bất định

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 6): HQC – Từ hàng đầu xuống hàng cuối

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 7): HAP - Phú quý giật lùi

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (Bài 8): Hà Tiên - Kinh doanh để... trả nợ

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 9): QCG - Sai lầm chiến lược kinh doanh?

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 10): MLG - lãi vay ngốn sạch nguồn vốn

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 11): PSI - Vị thế không tạo anh hùng

Tiền thân sáng chói

Tiền thân của VOS là Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO), được thành lập vào ngày 1-7-1970 với hàng loạt cái nhất trong ngành hàng hải Việt Nam. Chẳng hạn, năm 1973, tàu Hồng Hà (tải trọng 4.388DWT) mở luồng Việt Nam - Nhật Bản, đây là tàu đầu tiên của ngành hàng hải Việt Nam mở luồng đi biển xa, tạo đà cho bước phát triển đội tàu vận tải viễn dương.

VOS được niêm yết trên sàn HOSE vào tháng 9-2010, với giá chào sàn là 18.000 đồng/CP. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, CP của doanh nghiệp này giảm chỉ còn 2.400 đồng/CP (tương đương mức giảm 86%). Dù CP đã suy giảm về mức giá không tưởng, nhưng NĐT vẫn không có ý định mua vào VOS, bởi tương lai không mấy sáng sủa mà doanh nghiệp này đang đối mặt.

Năm 1974, VOSCO là doanh nghiệp đầu tiên của ngành hàng hải Việt Nam thực hiện phương thức vay mua tàu để phát triển đội tàu. Năm 1975, ngay sau khi đất nước thống nhất, tàu Sông Hương (9.580DWT) là tàu đầu tiên của miền Bắc cập Cảng Nhà Rồng (TPHCM). Năm 1975, 2 tàu dầu của VOSCO, Cửu Long 01 và Cửu Long 02 (20.840DWT), là 2 tàu dầu đầu tiên, lớn nhất của Việt Nam, lần đầu mở luồng đến các nước Đông Phi và Nam Âu.

Năm 1977, tàu Sông Chu là tàu đầu tiên của ngành hàng hải mở luồng đi Australia và Ấn Độ, mở rộng thị trường vận tải ngoại thương. Năm 1982, tàu Thái Bình và Tô Lịch là 2 tàu đầu tiên của Việt Nam mở luồng đi các nước Tây Phi và châu Mỹ.

Đặc biệt, tàu Thái Bình của VOSCO được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là tàu Việt Nam đầu tiên hành trình vòng quanh thế giới.

Năm 1996, VOSCO nhận tàu Morning Star (21.353DWT), là tàu hàng rời chuyên dụng cỡ lớn có tầm hoạt động rộng. Năm 1997, VOSCO là công ty vận tải biển đầu tiên của Việt Nam triển khai áp dụng Bộ luật Quản lý An toàn Quốc tế (ISM Code) trước khi Bộ luật này chính thức có hiệu lực từ năm 1998.

Đến năm 2002, VOSCO trở thành doanh nghiệp vận tải biển đầu tiên của Việt Nam áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2000. Năm 2004, VOSCO là công ty vận tải biển đầu tiên của Việt Nam áp dụng Bộ luật An ninh tàu và bến cảng (ISPS Code).

Những năm sau đó, VOSCO đã đầu tư mua sắm hàng loạt tàu hiện đại như: tàu container Fortune Freighter (561TEU) và Fortune Navigator (560TEU), tàu hàng rời chuyên dụng cỡ Supramax VOSCO Sky (52.523DWT) đóng tại Nhật Bản năm 2004.

Ngập trong nợ

Tuy nhiên, lịch sử đã không ủng hộ VOS khi nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, khiến giá cước vận tải biển liên tục đi xuống trong khi giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, đẩy VOS vào vòng xoáy thua lỗ. Theo BCTC quý III vừa công bố, mặc dù đã cắt giảm hầu hết chi phí nhưng VOS vẫn tiếp tục lỗ 28 tỷ đồng.

Tàu Ocean Star tải trọng 18.366DWT thuộc loại tàu hiện đại đã được VOS đem bán để cơ cấu lại đội tàu nhằm duy trì hoạt động.

Tàu Ocean Star tải trọng 18.366DWT thuộc loại tàu hiện đại đã được VOS
đem bán để cơ cấu lại đội tàu nhằm duy trì hoạt động.

Cụ thể, tất cả chi phí trong kỳ đều đã cắt giảm, đặc biệt là chi phí bán hàng và chi phí tài chính giảm lần lượt là 29,71% và 20,62%. Đây là quý thứ 3 liên tiếp VOS thua lỗ, nâng con số lỗ lũy kế 3 quý đầu năm là 131 tỷ đồng (gấp 2,6 lần cùng kỳ). Đáng chú ý là lượng tiền và tương đương tiền giảm đi đáng kể, từ 54,6 tỷ đồng đầu kỳ chỉ còn 6,7 tỷ đồng vào cuối kỳ.

Theo giải trình của doanh nghiệp, việc thua lỗ kéo dài bắt nguồn từ sự trì trệ của các nền kinh tế lớn trên thế giới, khiến lượng hàng hóa vận chuyển tiếp tục khan hiếm và có ít đơn hàng chào ra thị trường. Mức cước của các nhóm tàu trên các tuyến đều có xu hướng giảm đã ảnh hưởng mạnh đến doanh thu đội tàu.

Thêm vào đó, thời điểm quý III lại bắt đầu vào mùa mưa bão cũng ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các đội tàu, đặc biệt là các tàu đang khai thác tại khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Tuy nhiên, giải trình này chỉ đề cập tới các nguyên nhân khách quan, trong khi nguyên nhân chủ quan thì doanh nghiệp này không hề nhắc đến. Thực tế, tình trạng thua lỗ kéo dài của VOS còn có nguyên nhân đến từ việc sử vốn vay quá lớn.

Theo BCTC bán niên sau soát xét, vốn điều lệ của VOS là 1.400 tỷ đồng, nhưng tổng nợ phải trả tính đến ngày 30-6-2012 của VOS lên đến 3.837 tỷ đồng. Trong khoản nợ phải trả này có gần 3.200 tỷ đồng là nợ vay và số tiền chi trả lãi vay 6 tháng đầu năm lên đến 78 tỷ đồng.

Bán bớt tàu để duy trì hoạt động?

Trước diễn biến xấu của thị trường vận tải biển cộng với tình trạng thua lỗ, VOS đã chủ động bán bớt đội tàu của mình. Theo nghị quyết đã được ĐHCĐ thường niên năm 2011 thông qua, VOS đã bán 3 tàu, gồm 2 tàu hàng khô cũ là tàu Vĩnh Long (6.479 DWT) đóng năm 1984 tại Nhật Bản, tàu Sông Tiền (6.503 DWT) đóng năm 1984 tại Nhật Bản và tàu chở dầu và hóa chất Đại Việt (37.432 DWT) đóng năm 2005 tại Hàn Quốc, do khai thác một tàu đơn lẻ gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn hàng phù hợp và không có tàu thay thế lẫn nhau.

Tháng 7-2012 vừa qua, VOS lại tiếp tục thông báo bán thêm tàu Ocean Star (18.366DWT). Giải thích về việc bán tàu, VOS cho rằng đây chỉ là hoạt động cơ cấu lại đội tàu theo hướng giảm bớt những tàu cũ, trọng tải nhỏ và thay thế bằng đội tàu hiệu quả và hiện đại hơn. Thế nhưng, giới đầu tư ngầm hiểu là VOS phải bán bớt tàu để giảm gánh nặng và lấy tiền duy trì hoạt động.

Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải biển, đội tàu của VOS hiện quá lớn, nhất là sau khi tiếp nhận thêm nhiều tàu còn đang đóng dở của Vinashin. Thực tế, Ocean Star là tàu hiện đại, được đóng mới năm 2000 và đang khai thác các tuyến quốc tế không hạn chế, nên không thể coi đây là tàu nhỏ, phải nằm trong diện thanh lý.

Tính đến cuối năm 2011, đội tàu của VOS gồm 25 chiếc, gồm 21 tàu hàng khô, 2 tàu dầu sản phẩm và 2 tàu container với tổng trọng tải là 560.422DWT, tuổi tàu bình quân 13,16 tuổi.

Các tin khác