Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 11)

PSI - Vị thế không tạo anh hùng

  PSI - Vị thế không tạo anh hùng

Chỉ cần nghe qua cái tên CTCK Dầu Khí (PSI), nhiều người sẽ dễ dàng hình dung được những lợi thế của CTCK này. Tuy nhiên, việc chuyển hóa các lợi thế này vào hoạt động kinh doanh lại không đơn giản.

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 1): PVX - Hành trình đến cổ phiếu bèo

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 2): VCG – Gánh nặng nợ vay

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 3): GTT - Càng phình to, càng đuối sức

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 4): Sông Đà - Từ tham vọng đến thất vọng

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (Bài 5): SAM - Tương lai bất định

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 6): HQC – Từ hàng đầu xuống hàng cuối

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 7): HAP - Phú quý giật lùi

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (Bài 8): Hà Tiên - Kinh doanh để... trả nợ

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 9): QCG - Sai lầm chiến lược kinh doanh?

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 10): MLG - lãi vay ngốn sạch nguồn vốn

Tham vọng quá tầm

Trong báo cáo thường niên năm 2011, PSI nêu lên sứ mệnh của công ty là “trở thành đầu mối trọng yếu kết nối ngành dầu khí Việt Nam với TTCK và thị trường vốn trong nước cũng như quốc tế”. Để thực hiện sứ mệnh này, PSI đặt ra một loạt phương châm hành động như: “Lấy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm trọng tâm”; “Lấy dịch vụ làm nền tảng bền vững…”; “Lấy đầu tư để tăng tốc phát triển khi có điều kiện...”.

HĐQT PSI đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 với rất nhiều yếu tố “hàng đầu” như “dẫn đầu thị phần”, “uy tín hàng đầu”, “phân tích hàng đầu”, “dẫn đầu hiệu quả hoạt động”… PSI có tham vọng quá đáng hay không?

PSI tạo sức mạnh từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nhưng không chuyển hóa lợi thế nào vào hoạt động kinh doanh.

PSI tạo sức mạnh từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam,
nhưng không chuyển hóa lợi thế nào vào hoạt động kinh doanh.

PVN là một trong những tập đoàn mạnh của nền kinh tế nước ta, thương hiệu “Dầu khí” là lợi thế kinh doanh không thể chối cãi của nhiều công ty, số lượng các đơn vị thành viên trong PVN rất đông đảo. Với những lợi thế như vậy thì tầm nhìn, mục tiêu của PSI đặt ra là phù hợp, hoặc nếu có cao quá thì cũng xem như đây là động thái để củng cố quyết tâm. Nhưng tiếc thay, giữa kỳ vọng và thực tế, giữa mục tiêu và kết quả lại tồn tại một khoảng cách quá xa.

Trong bảng xếp hạng thị phần môi giới quý III-2012 của HOSE và HNX còn chẳng thấy cái tên PSI chứ chưa nói đến các vị trí “thứ nhất”. Quý III-2012, doanh thu hoạt động môi giới của PSI đạt 1,7 tỷ đồng, giảm gần phân nửa so với cùng kỳ năm trước.

Nếu như quý III-2011, PSI còn lãi 9,5 tỷ đồng thì quý III năm nay công ty lỗ 3,7 tỷ đồng. 9 tháng năm 2012, PSI lãi vỏn vẹn hơn 500 triệu đồng. Nếu đem so KQKD của PSI với các CTCK thuộc tốp đầu khác như SSI, HSC thì sự yếu thế của PSI sẽ nhanh chóng lộ ra. Đơn cử, doanh thu hợp nhất trong quý I-2012 của SSI đạt 164 tỷ đồng, còn lớn hơn doanh thu 3 quý đầu năm 2012 của PSI cộng lại (100 tỷ đồng).

Với chênh lệch như vậy, đến khi nào PSI mới có thể vào nhóm “dẫn đầu thị phần”? Vốn điều lệ của PSI so với các CTCK khác không hề nhỏ khi đạt gần 600 tỷ đồng. Cuối tuần qua, CP này đóng cửa tại mức giá 3.700 đồng/CP, như vậy vốn hóa của PSI chỉ đạt hơn 220 tỷ đồng.

Khá gượng gạo là mức giá trên 3.000 đồng/CP của PSI lại ngang với những CTCK thường thường bậc trung như AVS (Âu Việt), APS (Apec), HPC (CK Hải Phòng), PHS (Phú Hưng).

Còn nhớ, giai đoạn đầu năm 2010, dòng họ CP thuộc PVN làm mưa làm gió trên sàn HNX, khi đó PSI cũng nổi lên như một CTCK “bao sân” của các doanh nghiệp cùng họ PVN. Lúc đó các báo cáo phân tích về doanh nghiệp thuộc PVN nhận được khá nhiều sự quan tâm.

Hiện nay PSI cũng nằm trong số ít các CTCK “nuôi” đội ngũ phân tích và thường xuyên phát hành báo cáo. Công ty cũng có động thái tuyển dụng nhân sự từ các CTCK khác về. Năm 2012, mặc dù hơi lặng lẽ nhưng PSI cũng tiến hành cho ra mắt bộ chỉ số PVN-Index, phản ánh diễn biến của các CP thuộc họ PVN.

Nỗ lực của PSI là đáng ghi nhận nhưng cũng chỉ… dừng lại ở đó, không dẫn đến một kết quả gì đặc biệt. Báo cáo của PSI đọc kỹ cũng có những điểm hay, tích cực nhưng chất lượng không có gì nổi trội so với mặt bằng chung. PVN-Index cũng chẳng mấy ai quan tâm, thực ra điều này cũng là hợp lý vì ngay cả VN30 hay HNX30 còn bị “ngó lơ” nữa là PVN-Index.

Làm không được… thì bỏ?

Cuối năm 2011, PSI có một khoản đầu tư CP OTC trị giá hơn 280 tỷ đồng và không trích lập dự phòng với lý do “đã đánh giá một cách thận trọng dựa trên cơ sở thu thập báo giá của 3 CTCK”. Công ty kiểm toán cho PSI là Deloitte cho biết “không thể xác định mức độ hợp lý của các báo giá” nên đã không đưa ra ý kiến về các khoản dự phòng giảm giá.

Đến giữa năm 2012, trong BCTC bán niên, giá trị của khoản đầu tư nêu trên đã giảm nhẹ xuống còn hơn 270 tỷ đồng và PSI cũng lại không trích lập dự phòng cũng với lý do tương tự. Khoản đầu tư CP OTC được PSI hạch toán vào “Đầu tư tài chính ngắn hạn”. Là CTCK, có lẽ PSI thừa hiểu mức độ chặt chẽ và chính xác của việc xác định giá CP OTC dựa trên báo giá của CTCK là như thế nào.

Với tình hình TTCK hiện nay nói chung và sự tê liệt của thị trường OTC thì liệu có còn nổi 3 cái “chợ” OTC để PSI có thể xác định giá CP OTC một cách chính xác? Là CTCK có lẽ PSI phải hiểu điều này. Và nếu PSI đã “thận trọng” như vậy tại sao không nêu tên cụ thể 3 CTCK ra?

Và cũng khá buồn cười là CTCK lại đi dựa vào CTCK khác để xác định giá trị CP. PSI đã liệt kê khá chi tiết một số khoản đầu tư trực tiếp của mình, tổng giá trị của những khoản này chỉ hơn 40 tỷ đồng, nhưng khoản đầu tư CP OTC có giá trị 270-280 tỷ đồng thì lại không được như vậy. Nếu đã thận trọng, minh bạch tại sao PSI không thuyết minh, giải trình một cách chi tiết hơn nữa.

Khoản đầu tư CP OTC có giá trị gần bằng một nửa vốn điều lệ và tương đương 1/4 tổng tài sản của PSI. Năm 2011, PSI lỗ hơn 90 tỷ đồng, giả định PSI trích lập dự phòng giảm giá 10% cho khoản đầu tư OTC thì số lỗ của PSI ngay lập tức có thể tăng thêm hơn 30%.

6 tháng đầu năm 2012, giả sử công ty tiến hành trích lập dự phòng với tỷ lệ “nhỏ” là 5% thì từ con số lãi hơn 4 tỷ đồng trên BCTC bán niên sẽ lập tức chuyển thành lỗ hơn 10 tỷ đồng. Từ đây có thể thấy mối liên hệ mật thiết giữa việc trích lập dự phòng với trạng thái lãi/lỗ trong hoạt động kinh doanh của PSI.

Tính đến ngày 30-6, cơ cấu cổ đông của PSI cũng khá phức tạp, nhóm “Dầu khí” bao gồm Tổng CTCP Tài chính Dầu Khí và CTCP Tài chính Công đoàn Dầu khí chiếm tổng cộng 16% cổ phần, nhưng ngay sau đó là SMBC Nikko Securities Inc chiếm 15% cổ phần và các cổ đông khác.

Cơ cấu cổ đông của PSI không cho thấy một hay một nhóm cổ đông nào vượt trội, như vậy thì mức độ gắn bó chặt chẽ, cũng như tạo những ảnh hưởng lên hoạt động cũng không lớn. Một rủi ro khác có thể xuất hiện là các cổ đông lớn cũng chẳng còn động lực với PSI.

Thí dụ, 15-20% cổ phần của PSI hiện nay (tương ứng với giá 3.700 đồng/CP) chỉ còn trị giá khoảng 30-40 tỷ đồng. Nếu xắn tay áo để “làm lại” trong tình hình thị trường khó khăn hiện nay thì chắc gì đã làm tốt hơn?

Các tin khác