Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (Bài 5)

SAM - Tương lai bất định

SAM - Tương lai bất định

SAM (CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom) là CP có thâm niên niêm yết tại HOSE (cùng với REE). Cũng chính vì vậy mà sự lên xuống, thịnh suy của CP này có rất nhiều nét tương đồng với diễn biến của TTCK. Mặc dù vậy, SAM vẫn tạo cho mình những “dấu ấn” nổi trội.

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 1): PVX - Hành trình đến cổ phiếu bèo

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 2): VCG – Gánh nặng nợ vay

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 3): GTT - Càng phình to, càng đuối sức

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 4): Sông Đà - Từ tham vọng đến thất vọng

Tiền bốc hơi

Trong khoản mục “Tiền và các khoản tương đương tiền” của Sacom vào thời điểm kết thúc 2007 (năm đỉnh cao của TTCK Việt Nam), đạt 315,81 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên hơn 666 tỷ đồng vào cuối năm 2008. Cũng từ năm 2008 là thời điểm ghi nhận sự xuống dốc của SAM khi công ty bắt đầu thua lỗ trong năm này với con số gần 76 tỷ đồng.

Năm 2010, cái tên CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông của SAM đã được đổi thành CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom. Từ doanh nghiệp sản xuất, SAM trở thành một công ty đầu tư vào đủ thứ, từ bất động sản, chứng khoán đến du lịch… và kết quả kinh doanh của SAM kể từ 2008 đến nay phụ thuộc vào diễn biến của TTCK.

Thời điểm 4 năm trước, “cục” tiền mặt khá lớn của SAM là một trong những điểm nổi trội của công ty. Cuối năm 2008, giá trị sổ sách trên mỗi CP của SAM xấp xỉ 35.000 đồng/CP, còn nếu lấy hơn 668 tỷ đồng tiền mặt của công ty chia cho tổng số CP lưu hành thì cũng lên đến hơn 10.000 đồng/CP.

Nhưng khoản tiền mặt của SAM lại dần bốc hơi theo năm tháng. Cuối năm 2009 giảm xuống chỉ còn hơn 470 tỷ đồng, rồi cuối năm 2010 giảm tiếp chỉ còn hơn 270 tỷ đồng và đến giữa năm 2012 chỉ còn chưa đến 60 tỷ đồng.

Chỉ trong khoảng 4 năm, tiền mặt của SAM đã “bốc hơi” hơn 90%, một tỷ lệ đáng nể. TTCK những năm qua mặc dù giảm nhưng vẫn có lúc tăng, còn tiền của SAM chỉ có giảm.

Cáp Sài Gòn (CSG) là công ty mà SAM là cổ đông lớn, mới đây đã tiến hành giải thể. Một trong những lý do dẫn đến biến cố này là do hoạt động kinh doanh của CSG yếu kém và bế tắc.

SAM cũng có những nét tương đồng với CSG nhưng ở cấp độ lớn hơn. Việc SAM đổi tên cách đây 2 năm có thể xem như đã có ý định đoạn tuyệt với ngành cáp, nhưng SAM lại chưa tìm được hướng đi mới và thậm chí còn sa lầy hơn nữa trong những sai lầm của mình.

Đầu năm 2010, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại một số dự án bất động sản của SAM chỉ mới xấp xỉ 300 tỷ đồng, thì đến đầu năm nay đã lên đến hơn 810 tỷ đồng. Trong đó có những dự án như Giai Việt, Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp cũng không rõ khi nào hoàn thành trong khi chi phí xây dựng đã lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Không lối thoát

Cuối năm 2009, giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn của SAM lên đến gần 990 tỷ đồng, còn cuối năm 2011 hơn 750 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2012, TTCK có những diễn biến khá thuận lợi thì giá trị khoản mục này lại tăng lên gần 790 tỷ đồng.

Trong cơ cấu tài sản của SAM, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty chiếm tỷ trọng dao động trong khoảng 25-30%. Đến đây sẽ có câu hỏi được đặt ra là tại sao SAM không tiến hành thoái vốn những khoản này mà cứ khư khư ôm vào?

Tính tại thời điểm ngày 30-6, giá trị ban đầu SAM đầu tư vào các công ty liên kết, liên doanh như Liên doanh cáp Taihan-Sacom, Nhựa Sam Phú, Bất động sản Hiệp Phú, Cáp Sài Gòn… lên đến gần 430 tỷ đồng. Thoái vốn tại những đơn vị này là không hề đơn giản và tính đến hiện nay, SAM chỉ có thể thu được tiền từ việc CSG tiến hành giải thể.

Trong khi đó, những khoản đầu tư dài hạn khác của SAM được xem không thuyết phục, từ những công ty lớn như Hòa Phát (HPG) đến CTCK Phố Wall, rồi Quỹ tầm nhìn SSI…

Phân xưởng sản xuất cáp viễn thông của Sacom.

Phân xưởng sản xuất cáp viễn thông của Sacom.

Theo ghi nhận của SAM, tổng giá trị ban đầu của các khoản đầu tư tài chính dài hạn là hơn 940 tỷ đồng, trích lập dự phòng xấp xỉ 160 tỷ đồng, tương đương 17%.

Tỷ lệ dự phòng giảm giá như vậy là không hoàn toàn thuyết phục, bởi lẽ không dễ xác định giá trị thực tại các công ty liên kết, liên doanh, còn những công ty như trường hợp của CTCK Phố Wall cho dù có “áp” luôn giá thị trường để tiến hành trích lập thì trong thực tế đem bán cũng khó lòng bán được.

CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) vào ngày 30-6 chỉ có giá xấp xỉ 10.000 đồng, trong khi giá mua hơn 840.000 CP QCG của SAM lên đến gần 33.000 đồng/CP, như vậy công ty đã lỗ gần 20 tỷ đồng, tương đương 70% cho CP này. 

Hay như trường hợp của hơn 4,4 triệu CP Hòa Phát (HPG) được SAM mua vào với giá khoảng 36.300 đồng/CP, đến thời điểm cuối tháng 6 vừa rồi có giá 24.000 đồng, nghĩa là SAM bị lỗ gần 50 tỷ đồng, khoảng 30%. Chỉ tính riêng 2 CP QCG, HPG mà số tiền trích lập tương ứng đã lên đến gần phân nửa số tiền trích lập trong tổng danh mục đầu tư.

Tiền mặt của SAM cứ mãi “bốc hơi” theo từng năm, trong  khi công ty cứ theo đuổi những ngành nghề vốn đang trong cơn bĩ cực như chứng khoán, bất động sản. Tính đến giữa năm 2012, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của SAM chỉ vỏn vẹn hơn 10 tỷ đồng.

Hơn 1.300 tỷ đồng thặng dư của SAM hiện có cũng có thể xem là một trong những “lợi thế” cuối cùng của công ty. Tuy nhiên, khả năng chia cổ tức bằng tiền từ thặng dư này có lẽ khó xảy ra, bởi thặng dư chỉ nằm trên giấy, còn tiền mặt đã bốc hơi.

Do vậy, phần thặng dư này có thể được sử dụng để chia CP thưởng cho NĐT. Nhưng nếu chia CP thưởng chỉ có tác dụng gia tăng thêm vốn cho SAM và gia tăng lượng CP cho cổ đông. Vốn tăng, lợi nhuận giảm đồng nghĩa pha loãng CP.

Giá CP của SAM rơi dưới mệnh giá (cuối tuần qua đóng cửa ở mức 6.400 đồng/CP), có lẽ việc chia thưởng (nếu có) chỉ gây ra sự phản cảm và cũng chẳng cổ đông nào muốn nhận.

Giờ đây, nếu SAM có tiến hành “đại cải tổ” tái cấu trúc cũng không dễ dàng, vì như đã phân tích ở trên, sự xuống cấp đã diễn ra quá lâu và những lợi thế lớn cho việc tái cấu trúc (tiền mặt, vị thế công ty) cũng không còn nhiều. Và cho dù có quyết tâm, quá trình này cũng diễn ra rất lâu. Còn nếu tiếp tục đợi chờ TTCK hay bất động sản hồi phục, chẳng khác “tự cắn đuôi mình”.

Các tin khác