Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 4)

Sông Đà - Từ tham vọng đến thất vọng

Sông Đà - Từ tham vọng đến thất vọng

Từ một dòng họ đông đúc và quyền lực trên sàn, CP Sông Đà đã đánh mất vị thế của mình. Giá thấp, thanh khoản kém, không cạnh tranh, giờ như kẻ chầu rìa trong mắt các NĐT.

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 1): PVX - Hành trình đến cổ phiếu bèo

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 2): VCG – Gánh nặng nợ vay

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 3): GTT - Càng phình to, càng đuối sức

CP “đầu đàn” yếu thế

Sự xuống dốc của SDx thể hiện khá rõ qua “đầu lĩnh” SJS (Sudico). Những đợt sóng của SJS siêu mạnh khi lên sàn vào năm 2006 đến năm 2009 vẫn còn trong ký ức của nhiều người. Nhưng SJS đã bắt đầu xuống phong độ kể từ năm 2010 và 2011 khi kết quả kinh doanh (KQKD) yếu kém dần. Đầu năm 2012, khi CP này tăng từ 25.000 đồng/CP lên hơn 40.000 đồng/CP, nhiều người đã kỳ vọng SJS sẽ sớm lấy lại những gì đã mất.

Nhưng sau một thời gian ngắn nổi sóng đi kèm với những thông tin liên quan đến việc thay đổi nhân sự cao cấp cũng như cơ cấu sở hữu, SJS lại bắt đầu “chìm” trở lại. SJS lỗ gần 96 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm và bị HOSE cảnh cáo trên toàn thị trường do vi phạm công bố thông tin. Tại thời điểm ngày 30-6-2012, SJS lỗ lũy kế gần 180 tỷ đồng, trong khi trước đó 1 năm con số này là hơn 80 tỷ đồng.

Một thời SJS được đánh giá là muốn lãi bao nhiêu cũng được nhờ dự án Nam An Khánh, nằm ở phía Tây Hà Nội với quỹ đất lớn và đẹp. Nhưng ngành bất động sản hiện đang trong giai đoạn khó khăn cả về sức tiêu thụ lẫn giá cả. Một điểm khác cần lưu ý là sự thay đổi cơ cấu cổ đông và lãnh đạo chủ chốt của SJS cũng có thể tác động đáng kể đến KQKD. Có quan điểm cho rằng, cổ đông lớn mới tham gia vào SJS sẽ phải có những chiến lược để sớm tạo ra lợi nhuận cho công ty và cũng là cho chính mình. Nhưng có ý kiến cho rằng nếu đã bỏ ra khoản tiền lớn để sở hữu được một doanh nghiệp tiềm năng thì bên mua không cần vội vã gì.

Giả thiết nào đúng sẽ phải có thêm nhiều thời gian, nhưng diễn biến của SJS trên sàn lại thay đổi theo từng ngày và phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Phiên giao dịch 28-9, SJS đóng cửa tại mức giá 22.800 đồng/CP, chênh lệch so với giá đáy 16.000 đồng/CP gần 1 năm trước không phải là quá lớn. Hiện nay CP này chưa có một dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm “hút hàng” trở lại khi thanh khoản trong vài tháng gần đây ở mức rất thấp. SJS giờ không thể xem như blue chip hay chỉ báo của  cả thị trường và ngành bất động sản như trước nữa, khi mỗi phiên giao dịch chỉ khớp lèo tèo vài chục nghìn CP.

Điểm kế tiếp là thị giá hơn 20.000 đồng/CP không đắt nhưng cũng không hề rẻ vì 2 lý do: Như đã nói ở trên, SJS vẫn đang có khoản lỗ lũy kế và chưa cho thấy tín hiệu kinh doanh tích cực nào. Kế tiếp, thị giá càng lớn thì “bước giá” sẽ càng lớn nên rất dễ giảm mạnh. Cũng vì thị giá cao, nên khả năng bứt phá của SJS khi thị trường sẽ bị hạn chế. Về mặt thị giá, SJS sẽ không thể có lợi thế bằng LCG, ITC hay NTL, vì những mã này chỉ giá dao động quanh mốc 10.000 đồng/CP. Có lẽ, chỉ khi nào tình hình của thị trường bất động sản, chứng khoán có cải thiện, cũng như ban lãnh đạo mới và cổ đông lớn nỗ lực mới có thể lấy lại hình ảnh trước đây của SJS.

 Liệt thanh khoản, giá siêu rẻ

Kết thúc giao dịch cuối tháng 9, trong khoảng 30 CP họ Sông Đà đang niêm yết tại HNX có đến 1/3 không có giao dịch. Đây không phải là hiện tượng nhất thời mà đã trở thành “xu thế”. Thí dụ trường hợp của S12 (Sông Đà 12) với mức giá 4.000 đồng/CP đã “liệt thanh khoản” trong hầu hết phiên giao dịch của tháng 9. Trong 4 phiên mà S12 có giao dịch, tổng giá trị chỉ đạt… 2,7 triệu đồng. S27 (Sông Đà 27) còn “thê thảm” hơn khi gần như không có giao dịch kể từ tháng 8 đến nay. SD5 (Sông Đà 5), một cái tên khá nổi khi họ Sông Đà còn thịnh vượng, dù có giá 14.000 đồng/CP nhưng cũng chẳng khác nào “giá ảo”, khi thanh khoản trong khoảng 2 tháng gần đây hầu như không có.

Dự án chung cư Mỹ Đình – Mễ Trì do SUDICO làm chủ đầu tư.

Dự án chung cư Mỹ Đình – Mễ Trì do SUDICO làm chủ đầu tư.

Về mặt thị giá, số CP họ Sông Đà trên mệnh giá 10.000 đồng/CP chỉ đếm trên đầu ngón tay và số còn lại đều ở mức cực kỳ rẻ rúng. SDJ (Sông Đà 25) là một trong những CP bèo nhất của họ Sông Đà cuối tuần rồi, đóng cửa tại mức giá 2.200 đồng/CP, giá trị vốn hóa tương ứng của công ty chỉ đạt 9,5 tỷ đồng. Về lý thuyết, chỉ cần bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng là có thể trở thành cổ đông lớn, thậm chí chi phối được SDJ.

Nhưng KLGD mỗi phiên chỉ vài trăm CP, tương đương với giá trị vài trăm nghìn đồng, cho thấy chẳng ai "thèm" ngó ngàng đến SDJ. Tính đến ngày 30-3-2012, Tập đoàn Sông Đà nắm 1,88 triệu CP, tương đương khoảng 40% cổ phần của công ty. Giả định Tập đoàn Sông Đà góp vốn vào SDJ với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP, thì với thị giá hiện nay của SDJ tập đoàn đã lỗ đến 14,7 tỷ đồng, hơn 75%. Nhưng thực tế Tập đoàn Sông Đà nếu có muốn xả SDJ cũng chưa chắc tìm được ai mua và có khả năng phải ôm khoản lỗ này dài dài.

Về mặt cảm quan, khi nghe tên những CTCP Sông Đà gắn thêm với những con số, NĐT chỉ biết rằng có... rất nhiều số nhưng lại không biết chức năng cụ thể của từng công ty. Thời TTCK bùng nổ, CP họ Sông Đà thường nổi sóng đồng loạt xuất phát từ nguyên nhân mua đại hơn là chọn lọc thực sự. Cũng chính vì vậy, khi giảm giá cũng giảm đều. Những công ty mà Tập đoàn Sông Đà nắm cổ phần ban đầu thường là những đơn vị xây dựng, thực hiện nhiệm vụ của tập đoàn giao phó.

Lợi thế đặc trưng của những đơn vị này rất khó nhìn thấy được. Khi thị trường bất động sản phát triển, những đơn vị này nhờ sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ để phát triển thêm. Hiệu ứng thuyền lên, nước lên đôi khi đã đẩy nhóm này đi quá xa với thực lực vốn có của mình. Lấy thí dụ trường hợp của STL (Sông Đà Thăng Long), mức độ nổi tiếng của công ty này có lẽ chỉ thua SJS. STL một thời nổi lên với hàng loạt dự án hoành tráng từ Nam chí Bắc.

Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, STL đang lãnh quả đắng thực sự cho sự vung tay quá trán của mình. Hiện tại, giá CP của STL đã ở mức rất thấp, cuối tuần qua chỉ đóng cửa ở mức 3.800 đồng/CP, tương ứng với giá trị vốn hóa 57 tỷ đồng. Trớ trêu ở chỗ, nếu thử lấy một dự án mà STL triển khai, có khi tổng vốn đầu tư còn lớn gấp nhiều lần giá trị vốn hóa của công ty. "Ôm" STL cũng đồng nghĩa với việc phải "ôm" hàng nghìn tỷ đồng nợ vay, đây là điều không ai muốn.

Sự xuống cấp của họ CP Sông Đà một phần do thị trường, được xem như nguyên nhân khách quan, nhưng đáng trách nhất là chính các công ty đã có tham vọng vượt thực lực của mình. Giờ đây, không rõ các đơn vị này có đủ sức để sửa sai hay không, và cho dù có thể sửa được thì quá trình này cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Họ CP Sông Đà từ chỗ là một quyền lực trên sàn nay đã trở thành kẻ chầu rìa.

Các tin khác