Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 3)

GTT - Càng phình to, càng đuối sức

GTT - Càng phình to, càng đuối sức

Khởi nghiệp từ lĩnh vực kinh doanh vận tải nhưng với tham vọng đa ngành, CTCP Thuận Thảo (GTT) đã đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, kết quả nhận được không như mong đợi của cổ đông và NĐT. Sự thất vọng này đã phần nào được thể hiện qua thanh khoản và giá GTT trên TTCK hiện nay.

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 1): PVX - Hành trình đến cổ phiếu bèo

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 2): VCG – Gánh nặng nợ vay

Lợi nhuận đi xuống

GTT được thành lập trên cơ sở là doanh nghiệp Vận tải và Thương mại Thuận Thảo (tháng 1-1997). Tháng 10-2007, GTT được chuyển đổi thành công ty TNHH. Ngày 28-12-2009, Thuận Thảo chuyển đổi thành CTCP với vốn điều lệ hơn 83 tỷ đồng. Ngày 31-12-2009, GTT tăng vốn điều lệ lên thành 93 tỷ đồng và sáp nhập CTCP Địa ốc du lịch Thuận Thảo vào CTCP Thuận Thảo.

Đến ngày 12-2-2010, vốn điều lệ của GTT được tăng lên thành 290 tỷ đồng sau khi thưởng CP cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối, phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược và phát hành để sáp nhập CTCP Thuận Thanh vào CTCP Thuận Thảo. Vốn điều lệ của GTT hiện nay là 435 tỷ đồng.

Dù liên tục tăng vốn và có quy mô tương đối lớn so với các doanh nghiệp cùng ngành, nhưng kết quả kinh doanh của GTT lại đi theo chiều hướng ngược lại. Chẳng hạn, trong năm 2008, dù doanh thu thuần đạt 215 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại rất thấp.

Nguyên nhân do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao trong khi GTT lại đang triển khai nhiều dự án như: mở rộng Trung tâm Hội nghị và Du lịch Thuận Thiên, Resort Golden Beach, khách sạn 5 sao CenDeluxe. Chính vì lý do này lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của GTT âm gần 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, do hoạt động khác của GTT mang lại 50 tỷ đồng nên cuối cùng lợi nhuận sau thuế của GTT là 484 triệu đồng.

Đến năm 2009, GTT vẫn phải tiếp tục đầu tư vào các dự án (như năm 2008) nên giá vốn hàng bán vẫn chiếm tỷ trọng lớn (xấp xỉ 80% doanh thu), các chi phí bán hàng và quản lý tăng từ 3-6% so với năm 2008, nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục âm hơn 56 tỷ đồng. GTT đã không trả cổ tức cho cổ đông trong 2 năm 2008 và 2009.

GTT chỉ thật sự nổi bật trong năm 2010 với sự gia tăng đáng kể về doanh thu và lợi nhuận, nhờ nhiều dự án đầu tư bắt đầu đi vào hoạt động. Theo thống kê, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong năm 2010 đạt lần lượt là 418 tỷ đồng và 49 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ sau 1 năm khởi sắc, GTT lại tụt dốc thê thảm trong năm 2011 khi lợi nhuận sau thuế giảm chỉ còn 1,1 tỷ đồng.

BCTC 6 tháng đầu năm 2012 của GTT tiếp tục là những con số kém khả quan. Theo đó, doanh thu thuần quý II của GTT đạt 116,8 tỷ đồng (giảm 21%). Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của GTT đạt 229 tỷ đồng, mới chỉ đạt 38% kế hoạch doanh thu năm 2012. Lợi nhuận quý II đạt 1,16 tỷ đồng (gấp 2,8 lần so với cùng kỳ), nhưng lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế GTT giảm 85,5% và bằng 2,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2012.

Nợ vay quá lớn

Một trong những nguyên nhân khiến  lợi nhuận của GTT giảm nặng nề trong năm 2011 vừa qua được lãnh đạo doanh nghiệp này giải thích do chi phí tài chính tăng cao. Cụ thể, trong năm 2011, GTT đã phải vay thêm vốn để đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển nên dư nợ vay và lãi vay tăng.

Với lãi suất cho vay của các ngân hàng trong năm 2011 tăng từ 4-6% so với năm 2010, khiến chi phí tài chính tăng hơn 46 tỷ đồng (từ 107 tỷ đồng lên 154 tỷ đồng).

Khách sạn 5 sao CenDeluxe của CTCP Thuận Thảo được đầu tư rất bề thế tại Phú Yên, nhưng hiệu quả mang lại không như kỳ vọng.

Khách sạn 5 sao CenDeluxe của CTCP Thuận Thảo được đầu tư rất bề thế tại Phú Yên,
nhưng hiệu quả mang lại không như kỳ vọng.

Dù GTT đã chủ động tiết kiệm chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 73 triệu đồng, nhưng con số này không thấm vào đâu với khoản lãi vay GTT đang gánh chịu.

Theo BCTC bán niên 2012 chưa soát xét, tính đến thời điểm ngày 30-6, GTT đang nợ ngắn hạn BIDV Chi nhánh Phú Tài (Bình Định) gần 85 tỷ đồng, VietinBank 66 tỷ đồng và một số cá nhân 3,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số này còn khá thấp nếu so với các khoản vay dài hạn GTT đang gánh. Theo thống kê đến thời điểm ngày 30-6, GTT đang nợ BIDV Phú Tài 543,5 tỷ đồng, VP Bank 1,3 tỷ đồng, nợ thuê tài chính 48,2 tỷ đồng và nợ vay cá nhân 75,8 tỷ đồng. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của GTT hiện lên đến 1.150 tỷ đồng (cao hơn gấp đôi vốn điều lệ).

Việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản chính là nguyên nhân gây nên tình trạng sử dụng vốn vay quá lớn của GTT. Thế nhưng, hiệu quả những dự án này mang lại không nhiều, thậm chí lãng phí với một tỉnh còn nghèo như Phú Yên.

Chẳng hạn, Khu du lịch sinh thái Thuận Thảo liên tục được đầu tư mở rộng nhằm cạnh tranh với các khu vui chơi giải trí trên cả nước, nhưng lượng khách đến tham quan còn khiêm tốn. Đầu tư nhà hát Sao Mai với sức chứa lên đến 3.500 chỗ ngồi, nhưng mỗi năm chỉ chỉ tổ chức một vài chương trình lớn.

Thiếu chuyên nghiệp

Kết quả kinh doanh năm 2010 đã phần nào giúp GTT duy trì được thanh khoản khi mã CK này chính thức niêm yết trên sàn HOSE ngày 30-6-2010, với giá chào sàn 2.0. GTT từng có thời điểm nằm trong top những mã CP được giao dịch nhiều nhất trên sàn HOSE với hàng triệu đơn vị được giao dịch mỗi phiên.

Tuy nhiên, càng về sau GTT càng mất giá và thanh khoản cũng giảm dần cùng với sự đi xuống trong các hoạt động kinh doanh. Đến thời điểm hiện nay, GTT hiện đang giao dịch ở mức giá chỉ có 0.5, trong khi thanh khoản lại xuống mức thấp với chỉ vài ngàn đơn vị CP được khớp lệnh mỗi phiên.

Sự suy giảm mạnh về giá và thanh khoản của GTT trên TTCK còn đến từ sự thiếu chuyên nghiệp, ngay cả trong việc công bố thông tin. Trong khi phần lớn doanh nghiệp niêm yết đều công bố BCTC bán niên sau soát xét đúng thời gian quy định, thì GTT lại chậm công bố khiến HOSE phải có công văn nhắc nhở. GTT đã giải trình về sự chậm trễ này với những chi tiết rất khôi hài là do “lỗi của nhà xe”?

Cụ thể, đơn vị kiểm toán là Vietland đã ký phát hành báo cáo vào ngày 1-8, nhưng do Vietland tại TPCHM chuyển ra chi nhánh Vietland tại Nha Trang bằng xe tải bị trục trặc, nên BCTC bị thất lạc. Vietland tại TPHCM phải phát hành lại BCTC mới.

Thế nhưng thay vì gởi bằng phương thức vận chuyển khác nhanh chóng hơn, Vietland lại tiếp tục đi đường vòng: chuyển BCTC ra chi nhánh Nha Trang rồi mới chuyển ra cho GTT tại Phú Yên!?

Các tin khác