Hoảng loạn thị trường chứng khoán

Ngày 21-8-2012 chắc chắn sẽ trở thành một phần của lịch sử thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, VN Index giảm hơn 20 điểm, tương đương 4,7%; giá trị vốn hóa 2 sàn bốc hơi gần 36.000 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD. Việc VN Index giảm gần 5% là chuyện cực hiếm, ngay cả trong giai đoạn 2008.

Ngày 21-8-2012 chắc chắn sẽ trở thành một phần của lịch sử thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, VN Index giảm hơn 20 điểm, tương đương 4,7%; giá trị vốn hóa 2 sàn bốc hơi gần 36.000 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD. Việc VN Index giảm gần 5% là chuyện cực hiếm, ngay cả trong giai đoạn 2008.

Ai hoảng loạn?

“Thảm khốc” là vậy, nhưng nếu theo dõi kỹ lưỡng 2 phiên giao dịch ngày 20 và 21-8 vẫn có rất nhiều điểm phải mổ xẻ kỹ hơn, không đơn thuần chỉ là tin xấu, tin sốc và thị trường giảm.

Thực tế, trong khoảng 1 tiếng đồng hồ đầu tiên kể từ khi thông tin về “bầu” Kiên bị bắt được đăng tải trên một loạt tờ báo mạng, TTCK có mất điểm nhưng sau đó lại phục hồi đáng kể.

Một số blue chip sau khi giảm giá đã phục hồi ở mức gần tham chiếu, nhưng không lâu sau đó đã bị “nhấn chìm” xuống sàn trở lại. Có lẽ do tâm lý phần đông nhà đầu tư (NĐT) bị sốc, thậm chí hoảng loạn nên khoảng thời gian này không được chú ý và mổ xẻ.

Ở đây cần đặt lại vấn đề liệu chỉ một thông tin liên quan đến “bầu” Kiên có thể tạo ra một phiên giao dịch ghê rợn như vậy hay còn có trợ lực khác?

Có giả thiết rằng, sự phục hồi ban đầu chẳng qua do tin xấu chưa được lan ra khắp thị trường nên nhiều người chưa biết vẫn ra tay mua vào, hoặc bên bán chưa nhận ra được vấn đề nghiêm trọng nên không xả mạnh. Thực tế, mức giảm từ đầu phiên đủ khiến nhiều NĐT phải dè chừng và việc kiểm tra thông tin tác động đến không khó vì đã được lan truyền khá nhanh.

Có rất nhiều NĐT thuộc hàng kỳ cựu, am hiểu thông tin bậc nhất thị trường khi đọc lướt thông tin trên mạng ban đầu còn tưởng mình nhìn nhầm và sau đó mới thực sự hoảng hốt. NĐT vốn dĩ rất nhạy bén và nhiều người cũng rất dễ hoang mang nên không có lý gì phải ngẫm nghĩ hồi lâu rồi mới quyết định bán.

Càng ngạc nhiên hơn nữa, khi bên mua mặc dù không đỡ được giá nhưng cho đến khi kết thúc phiên vẫn duy trì lực mua khá đều đặn. Khối lượng giao dịch (KLGD) tại HOSE tăng từ hơn 41 triệu lên khoảng 70 triệu cổ phiếu (CP), còn tại HNX tăng từ hơn 32 triệu CP lên gần 55 triệu CP.

Thanh khoản tăng gần gấp 2 lần, mặc dù lệnh bán sàn “chất đống” nhưng bên mua đã cho thấy sự chủ động của mình. Người mua tất nhiên sẽ muốn mua rẻ, vậy tại sao bên mua không đợi giảm thêm vài phiên để gom hàng mạnh mà lại ra tay ngay từ ngày đầu tiên xuất hiện tin xấu?

Ai bán, ai mua?

Từ sự tự tin của bên mua nên khó có thể nói tâm lý sợ hãi lấn át thị trường, từ đây có thể đặt ra giả thiết về việc tận dụng một sự hoang mang trong phạm vi nhỏ để tạo ra một đợt bán tháo lớn. Bán ra tại thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” như vậy sẽ đem lại lợi ích cho những ai? Dễ thấy, trước ngày 21-8, VN Index đã có 5 phiên tăng tương đối khả quan, với sự đóng góp rất lớn của nhóm blue chip.

Và như vậy, việc bán ra sau khi CP tăng được 4-5 phiên, lợi nhuận 10-20% có thể là một sự lựa chọn hợp lý, nếu thị trường xấu còn bán mạnh hơn nữa để rút tiền cho yên tâm. Và tất nhiên không thể không nhắc đến lượng CP được đem ra bán khống với kỳ vọng giá giảm càng nhiều càng tốt. Muốn như vậy, lực bán ra cần phải làm cho “vũ bão” khiến cho bên mua chùn tay.

Phiên hôm qua 22-8, một kịch bản tương tự cũng xảy ra khi thị trường tiếp tục giảm điểm khá mạnh vào đầu phiên, nhưng không lâu sau đó một vài blue chip được đánh giá cao như REE, GAS, VNM… bắt đầu có những tín hiệu phục hồi.

Nhưng ngay sau đó lực bán lại tiếp tục gia tăng và đẩy VN Index giảm 8-9 điểm, vào khoảng gần 11 giờ thị trường lại phục hồi trở lại khi chỉ giảm 3-4 điểm.

Thật khó tin rằng, nếu NĐT hoảng loạn thực sự lại có thể tạo ra 1 giai đoạn giằng co. Vào cuối phiên, một số blue chip như VNM, PVD, DPM... đã tăng giá trở lại mặc dù lực bán ra không hề nhỏ. Một chi tiết cần lưu ý là lực mua tại một số mã chẳng hạn như PVD tỏ ra khá chủ động, khi có thời điểm lệnh mua ATC với khối lượng lên đến hàng trăm nghìn đã đẩy giá tạm tính của CP này tăng gần lên trần.

Riêng tại nhóm ngân hàng, không phải các mã đều giảm sàn, chẳng hạn ACB, EIB, STB vẫn giảm sàn nhưng VCB được ra tay mua vào khá mạnh vào cuối phiên và ở mức 26.400 đồng/CP, chỉ giảm 600 đồng/CP cùng KLGD lên đến 1,15 triệu CP.

Một chi tiết khác cũng cần phải chú ý là trong phiên “hoảng loạn” ngày 21-8, NĐT nước ngoài lại mua vào đáng kể. Tại HOSE, giá trị mua của khối ngoại lên đến gần 320 tỷ đồng, bán ra xấp xỉ 185 tỷ đồng. NĐT nước ngoài thường phản ánh khá mạnh với những tin xấu cũng như cực kỳ cẩn trọng trong giao dịch, vậy tại sao lại ra tay khá quyết liệt trong phiên này?

Chưa kể, giá trị mua vào và bán ra của khối tự doanh các công ty chứng khoán trong phiên 21-8 lần lượt là hơn 30 tỷ đồng và hơn 32 tỷ đồng, chênh lệch giữa bán-mua là không đáng kể nên cũng khó nói công ty chứng khoán “hoảng loạn”.

TTCK đang gặp tin xấu và diễn biến không tích cực, phải chăng vẫn còn đó những cơ hội?

Các tin khác