Nhà đầu tư cá nhân: Rủi ro bủa vây

Tham gia thị trường chứng khoán (TTCK)bằng cách nào? Mua bán cổ phiếu (CP) gì? Lãi lỗ ra sao? Những câu hỏi này tưởng chỉ có những nhà đầu tư (NĐT) mới tham gia thị trường đặt ra, nhưng thực tế ngay cả những NĐT dày dạn kinh nghiệm cũng không dễ trả lời một cách thấu đáo.

Tham gia thị trường chứng khoán (TTCK)bằng cách nào? Mua bán cổ phiếu (CP) gì? Lãi lỗ ra sao? Những câu hỏi này tưởng chỉ có những nhà đầu tư (NĐT) mới tham gia thị trường đặt ra, nhưng thực tế ngay cả những NĐT dày dạn kinh nghiệm cũng không dễ trả lời một cách thấu đáo.

Mạnh ai nấy đánh

Tham gia TTCK thời điểm năm 2006-2007 có thể 1 lãi 4-5 thậm chí lãi 10, qua năm 2009 lãi bằng vốn hoặc gấp đôi, nhưng từ năm 2010 đến nay thua lỗ vẫn là gam màu chủ đạo, chỉ có một số ít NĐT có lãi.

Gần nhất, mặc dù thị trường tốt từ đầu năm cho đến đầu tháng 5, nhiều người có thể lãi 50-100%, nhưng chỉ cần 1 tháng điều chỉnh, phần lãi đã bay sạch, thậm chí âm vốn do sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà. Vậy hiện nay NĐT kỳ vọng TTCK sẽ đem lại cho mình bao nhiêu lợi nhuận và thực tế liệu có giống như kỳ vọng?

Thử lấy mốc lãi suất tiền gửi ngân hàng (NH) hiện nay là 9%/năm, để tham gia TTCK lãi hơn mức này vừa dễ, vừa khó. Một thí dụ đơn giản, VNM (Vinamilk) đầu tháng 8 đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp lên mốc trên 10.0 sau một thời gian lình xình quanh mốc 9.0.

Như vậy ai giữ VNM từ trước tháng 8 đã lãi trên 15% chỉ trong một thời gian ngắn, cao hơn so với đem tiền gửi NH. Thoạt nhìn có vẻ rất dễ dàng, vì cứ theo chiến thuật chọn CP tốt, mua rồi giữ đó và chờ giá tăng, nhưng thực tế lại không như vậy.

Với phần đông NĐT, VNM mặc dù là một trong những CP tốt nhất TTCK lại khó có biến động mạnh, nên việc chờ đợi chẳng khác nào “cực hình” khi nhiều giai đoạn rất nhiều mã khác có sóng lên sóng xuống, còn VNM thì lặng sóng.

Năm 2010-2011, thị trường nhìn chung vẫn đi xuống, nhưng không thảm hại như 2008 nên vẫn có những NĐT có lãi. Trao đổi với một vài NĐT trong số này, họ cho biết cách thức đầu tư là đề cao thận trọng và cố gắng lựa chọn những CP tốt nhất, nhưng quan trọng hơn cả là phải “lao động cật lực”.

Những cách đánh chứng khoán theo sóng, theo thị trường mang tính đầu cơ, thậm chí cờ bạc không còn hữu dụng. Còn với những nhân viên văn phòng, cán bộ hưu trí có tiền nhàn rỗi tham gia TTCK bỏ thật nhiều thời gian cho việc nghiên cứu CP, thị trường để trở thành NĐT chuyên nghiệp là rất khó.

Nói như vậy để thấy rằng NĐT thiếu điểm tựa, đây cũng chính là cơ hội để các công ty chứng khoán (CTCK) hay các công ty quản lý quỹ thể hiện khả năng của mình trong việc hỗ trợ các NĐT. Nhưng tiếc thay đến thời điểm hiện nay kết quả chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Bơ vơ, thiếu điểm tựa

Thương vụ các quỹ đầu tư do BankInvest (BI) quản lý lãi lớn với MSN (Masan) chỉ xảy ra rất ít trong vài năm qua. Nhưng BI cũng bị “dính đạn” khi đầu tư vào DVD (Dược Viễn Đông) và phải bán cắt lỗ. Cũng chính vì vậy mà có ý kiến cho rằng BI ngoài “hay” còn có cả yếu tố “hên”.

Được biết gần đây BI cũng đã huy động được quỹ mới với giá trị hàng trăm triệu USD, con số không nhỏ hiện nay. Một trong những nguyên nhân để gọi vốn thành công chính là nhờ thương vụ MSN, nhưng đó là tiền từ nước ngoài.

NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LÃ ANH

NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LÃ ANH

Còn NĐT trong nước muốn tìm một công ty quản lý quỹ “có số” để đầu tư trong tình hình hiện nay lại không đơn giản. Các công ty quản lý quỹ vẫn thường lấy lý do khách quan là thị trường giảm để bao biện cho mình.

Nhưng điều khiến NĐT thất vọng và nghi ngờ hơn cả là hoạt động đầu tư thiếu minh bạch, tư lợi của chính những nhân vật đứng đầu công ty quản lý quỹ. Một lý lẽ tưởng chừng như rất hợp lý mà các quỹ đầu tư hay đưa ra khi thua lỗ là do thị trường chung giảm. Nhưng thị trường giảm, quỹ cũng lỗ liệu quỹ có hơn gì NĐT bình thường hay không?

Khó bỏ tiền vào quỹ, NĐT cá nhân cũng không dễ gì “nhờ” CTCK tư vấn hay hỗ trợ. Giới chứng khoán trong lúc trà dư tửu hậu đã đồn đại về chủ trương “xui” khách hàng giao dịch nhiều hơn, nhằm thu phí môi giới nhiều hơn của một CTCK được đánh giá cao về hoạt động môi giới. Khách hàng là những người “nuôi” CTCK, mà CTCK lại đi “hại” cả người nuôi mình.

Nếu tin đồn trên là thật, nói CTCK chủ trương như vậy là không có đạo đức kinh doanh cũng không có gì quá lời. Nhưng không phải NĐT nào cũng có thể tỉnh táo để nhìn nhận ra vấn đề, vì những cái bẫy được giăng ra ngày một tinh vi núp dưới những yếu tố chuyên nghiệp như thông tin CTCK thu thập được, các bản báo cáo bài bản…

Một trong những trường hợp hay gặp là CTCK khuyến nghị mua vào CP, CP không tăng, CTCK lại khuyến nghị bán ra; sau đó CP bắt đầu tăng, CTCK khuyến nghị mua vào. Cứ như vòng xoáy NĐT không làm theo thì mất cơ hội, nhưng nếu làm theo thì mất thêm phí cho CTCK. Không chỉ “xui” khách hàng giao dịch nhiều nhằm hưởng phí, có khi CTCK làm giá CP rồi xui NĐT mua để xả hàng. Trong khi đó, mục tiêu của CTCK là phục vụ và bảo vệ khách hàng của mình. 

Không “nhờ” được quỹ cũng không thể “cậy” CTCK, NĐT chỉ còn cách tự mình đầu tư. Nhưng như đã nói ở trên, không phải ai cũng có thể trở thành NĐT chuyên nghiệp.

Chưa kể, hàng loạt những rủi ro không đáng có kiểu như bỏ tiền vào CTCK mất thanh khoản, mua phải  CP chuẩn bị hủy niêm yết… đang bủa vây NĐT cá nhân “không thương tiếc”. Vì vậy, nếu có nói NĐT cá nhân bơ vơ, thiếu điểm tựa và chỉ là mồi ngon cho các thành phần khác của CTCK “thịt” cũng không quá lời.

Các tin khác