Phát triển TTCK bền vững (Bài 3)

Gấp rút thanh lọc công ty chứng khoán

Gấp rút thanh lọc công ty chứng khoán

Nằm trong kế hoạch tái cơ cấu công ty chứng khoán (CTCK), hàng loạt biện pháp mạnh mẽ nhằm kiểm soát, chấn chỉnh các CTCK đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xây dựng và trình lên Bộ Tài chính, trong đó sẽ đưa các CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt nếu chây ì các báo cáo. Cho đến thời điểm này, việc thanh lọc các CTCK tuy muộn nhưng có thể xem là tín hiệu khả quan trong việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK). Do vậy, vấn đề đặt ra là phải mạnh tay xử lý mới tạo an toàn cho nhà đầu tư (NĐT).

> Phát triển TTCK bền vững (Bài 2)

> Phát triển TTCK bền vững (Bài 1)

> Phân quyền, tránh chồng chéo

Từ vi phạm của SMEs

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán (UBCKNN), việc 2 lãnh đạo của CTCK SME (SMEs) bị bắt vì những sai phạm trên thực tế là cả một quá trình dài từ tháng 8-2010. Tháng 10-2011, UBCKNN đã kiểm tra toàn diện hoạt động của SMEs.

Dựa trên kết quả kiểm tra, UBCKNN đã có công văn yêu cầu SMEs bổ sung thuyết minh chi tiết có xác nhận của kiểm toán về các khoản phải thu, phải trả, tình trạng hiện tại của các khoản nợ quá hạn và khoản phải thu quá hạn trong phần báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm 2011.

Dự thảo quy chế của UBCKNN là hết sức cần thiết. Nếu đầu tư nhiều vào CP sẽ rất rủi ro cho CTCK. Lâu nay, đa phần CTCK duy trì tỷ trọng đầu tư vào CP cao sẽ có nhiều rủi ro, còn hiện tại, để giảm bớt rủi ro nên phải giảm đầu tư xuống. Điều đó có nghĩa quản lý rủi ro phải dựa theo nhiều cấp khác nhau, từ cấp chiến lược đến từng nghiệp vụ trong việc vận hành.

Ông NHỮ ĐÌNH HÒA,
Tổng Giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC)

Để bảo vệ NĐT và khách hàng tại SMEs, UBCKNN đã đề nghị 2 Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động với SMEs. VSD đã đình chỉ tạm thời lưu ký chứng khoán của SMEs từ ngày 7-11-2011 đến 7-1-2012 do SMEs thường xuyên vi phạm nghĩa vụ thành viên lưu ký, thường xuyên để xảy ra tình trạng mất thanh khoản giao dịch chứng khoán.

Sở GDCK Hà Nội đã thông báo đưa cổ phiếu (CP) của SMEs vào diện kiểm soát. UBCKNN đã làm việc với công ty kiểm toán để làm rõ một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của công ty kiểm toán đối với một số vụ việc liên quan đến SMEs.

Về tình hình tài chính của SMEs (chủ yếu liên quan đến khoản nợ của công ty), UBCKNN đã cảnh báo và thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký lưu ký chứng khoán cũng như rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của công ty để bảo vệ quyền lợi của NĐT.

Hiện nay, về tài khoản SMEs còn khoảng 200 tài khoản khách hàng, chủ yếu liên quan đến tranh chấp, nợ giữa CTCK và khách hàng, trong đó có 11 tài khoản còn số dư chứng khoán cầm cố.

Số dư trên các tài khoản theo báo cáo của công ty còn trên 2 tỷ đồng (trước khi bị đình chỉ lưu ký, SMEs có gần 9.000 tài khoản).

Theo UBCKNN, có nhiều nguyên nhân khiến SMEs liên tục có những hành vi vi phạm. Đầu tiên là sự khó khăn của TTCK trong một thời gian dài, trong khi SMEs dựa nhiều vào mảng tự doanh nên đã gặp khó, ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.

Tuy nhiên, về chủ quan đó là sự yếu kém trong quản lý rủi ro, thể hiện ngay ở trong ban lãnh đạo của công ty; hệ thống kiểm soát nội bộ không được thực thi đầy đủ. Theo các chuyên gia, sở dĩ số nợ của SMEs nhiều có thể do công ty này dễ dàng trong việc vay tiền, nhưng đằng sau đó cũng đặt ra không ít dấu hỏi về ban lãnh đạo.

Năm 2011, UBCKNN đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các dòng vốn từ các tổ chức tín dụng. Điều này xuất phát từ việc thời gian qua đã xuất hiện một số hình thức hợp tác đầu tư, tài trợ vay tiền từ ngân hàng.

Với trường hợp của SMEs, cần làm rõ những ẩn khuất đằng sau những khoản tiền mà SMEs vay, bởi theo số liệu báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2011, số tiền nợ khoảng 600 tỷ đồng chủ yếu đầu tư vào các công ty con.

Lỗ hổng khung pháp lý

Nằm trong lộ trình tái cấu trúc các CTCK, đến nay đã có 7 CTCK bị UBCKNN xếp vào diện kiểm soát đặc biệt và phải công bố thông tin theo quy định. Hiện tại, UBCKNN đã rút nghiệp vụ môi giới của 4 CTCK (Hà Nội, Trường Sơn, Đông Dương và SMEs) nhằm bảo vệ an toàn cho NĐT.

Tuy nhiên, điều vẫn khiến giới đầu tư băn khoăn là tại sao với những vi phạm liên tục như thời gian qua nhưng SMEs lại không bị xếp vào diện kiểm soát đặc biệt? Một quan chức của UBCKNN thừa nhận, việc xếp CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt hay không phải căn cứ vào chỉ tiêu an toàn tài chính theo Thông tư 226.

Tuy nhiên, SMEs đã lách bằng cách chây ì không nộp báo cáo tài chính năm 2011 có kiểm toán, cũng không nộp báo cáo chỉ tiêu an toàn tài chính theo Thông tư 226. Chính vì vậy, để triển khai quyết liệt đề án tái cấu trúc CTCK, cần thiết phải có sự sửa đổi khung pháp lý.

Một thời huy hoàng CTCK SME. Ảnh: VIỆT DŨNG

Một thời huy hoàng CTCK SME. Ảnh: VIỆT DŨNG

Được biết, hiện UBCKNN đang trình Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 226, trong đó tập trung sửa đổi một số nội dung về chế tài xử lý như: CTCK không nộp báo cáo tài chính, báo cáo không đúng hạn sẽ đưa vào diện kiểm soát đặc biệt; báo cáo vốn khả dụng có ngoại trừ trọng yếu (làm công ty “thoát” khỏi diện kiểm soát đặc biệt) mà công ty không giải trình được UBCKNN cũng sẽ đưa CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt; lùi thời hạn kiểm soát đặc biệt từ 6 tháng xuống còn 3 tháng để ép các CTCK phải khắc phục nhanh; công bố công khai danh sách CTCK bị kiểm soát đặc biệt.

Trong nghị định thay thế Nghị định 85 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, UBCKNN dự kiến cũng sẽ đưa ra một số chế tài mạnh mẽ như CTCK không nộp báo cáo sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Ngoài ra, UBCKNN cũng đang trình Bộ Tài chính ban hành thông tư thay thế Thông tư 27 về tổ chức hoạt động của CTCK, trong đó tăng cường các quy định để thắt chặt hơn vấn đề an toàn tài chính, quy định rủi ro.

Thông tin từ UBCKNN, cơ quan này đang soạn thảo quy chế hướng dẫn CTCK thực hiện quản lý rủi ro, trong đó CTCK phải có ban quản lý rủi ro. Cụ thể, CTCK thiết lập tiểu ban xử lý rủi ro trực thuộc HĐQT; thành viên tiểu ban này như một thành viên HĐQT điều hành, tổng giám đốc, trưởng phòng quản lý rủi ro, giám đốc tài chính hoặc kế toán trưởng, trưởng bộ phận kiểm soát nội bộ; chủ tịch ủy ban quản lý rủi ro phải là thành viên HĐQT điều hành.

Cũng trong quy chế này, vai trò, trách nhiệm của các vị trí quan trọng trong CTCK cũng được đề cập. Mục đích của quy chế này để CTCK phải quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế và hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Yêu cầu cấp bách

Nhiều ý kiến thắc mắc số lượng 105 CTCK hiện nay sẽ giảm còn bao nhiêu khi tiến hành tái cấu trúc? Tuy nhiên, theo một quan chức của UBCKNN, việc xóa sổ một CTCK phải được tiến hành theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Nếu căn cứ theo các tiêu chí, quy định UBCKNN đang tiến hành, nhiều CTCK sẽ phải chú trọng hơn đến tính an toàn trong hoạt động và sẽ có nhiều CTCK có thể sẽ bị xử lý bằng việc rút giấy phép nếu không tuân thủ.

Mục tiêu của đề án tái cấu trúc các CTCK nhằm từng bước thu hẹp số lượng CTCK, nhất là CTCK hoạt động không hiệu quả, đồng thời tăng cường khả năng, hiệu quả quản lý, giám sát đối với hoạt động CTCK và mở cửa thị trường dịch vụ tài chính. Trên thực tế, đã có một số CTCK phải giải thể hoặc sáp nhập, dù việc hợp nhất giữa các CTCK không đơn giản như trong lĩnh vực ngân hàng. Khi NĐT cá nhân gặp khó khăn về thanh khoản sẽ mong muốn có được sự hỗ trợ từ CTCK, nên việc họ tìm đến các CTCK mạnh là điều dễ hiểu. Cái khó của các CTCK trong giai đoạn này là đáp ứng được nhu cầu về vốn cho NĐT.

Ông PHẠM HỒNG SƠN,
Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán (UBCKNN)

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT, quyền Tổng giám đốc CTCK MB (MBS), cho rằng về mặt quản lý nhà nước, UBCKNN dự kiến tăng điều kiện về tài chính và các chỉ số quản trị hoạt động với các CTCK, đồng thời giảm số lượng các CTCK.

Về mặt tài chính, tuy không khó nhưng áp dụng vào từng công ty hiện nay là một vấn đề lớn, có thể làm thay đổi quan trọng đến các công ty mà năng lực tài chính và quản trị chưa được củng cố. Nhưng giảm số lượng CTCK là một việc rất khó, khi đại đa số các công ty không tự nguyện và hướng đến việc tái cấu trúc, sáp nhập, thậm chí phá sản.

TTCK quy mô nhỏ trong khi có hơn 100 CTCK, so với các nước khác với quy mô thị trường lớn nhưng số lượng CTCK chỉ dưới 30, cho thấy rõ sự chênh lệch về chất lượng của thị trường và của các CTCK nước ta.

Yếu kém của các CTCK được bộc lộ rõ rệt khi thị trường rơi vào khủng hoảng bởi quy mô giao dịch của thị trường ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của các CTCK. 2 năm qua, thị trường ảm đạm kéo dài, nhiều NĐT đã mất niềm tin và rời bỏ thị trường đã khiến nhiều CTCK rơi vào tình cảnh khó khăn.

Doanh thu của các CTCK trên nhiều lĩnh vực bị sụt giảm, đặc biệt doanh thu từ hoạt động môi giới, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận. Các CTCK đã bộc lộ những bất cập về số lượng, chất lượng và khả năng quản trị, kiểm soát rủi ro và mức độ an toàn tài chính.

Số lượng CTCK nhiều còn tăng áp lực rủi ro, sẽ khiến các CTCK nới các sản phẩm, dịch vụ đưa ra và làm cho mức độ rủi ro của thị trường tăng lên.

Từ thực tế trên, việc tái cấu trúc TTCK nói chung, các CTCK nói riêng đang trở nên cấp bách, đòi hỏi sự quyết liệt trong thực thi của cơ quan quản lý.

Các tin khác