Phát triển TTCK bền vững (Bài 2)

Khơi thông dòng chảy thông tin

Khơi thông dòng chảy thông tin

Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), minh bạch thông tin là điều tối quan trọng, vì sự bất cân xứng thông tin sẽ tạo nên những tiêu cực trên thị trường. Thực tiễn hoạt động của TTCK Việt Nam cho thấy sự ách tắc trong dòng chảy thông tin từ doanh nghiệp đến nhà đầu tư (NĐT) đang là yếu tố đánh mất niềm tin từ phía NĐT.

> Phát triển TTCK bền vững (Bài 1)

Công bố thông tin chưa vào chiều sâu

TTCK nước ta đã có những quy định pháp luật cơ bản trong việc điều chỉnh hoạt động công bố thông tin. Gần đây nhất, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 52/2012/TT-BTC (ngày 5-4-2012) nhằm hướng dẫn việc công bố thông tin trên TTCK. Các quy định trở nên chặt chẽ hơn và đã có những mẫu văn bản hướng dẫn việc công bố thông tin quan trọng, như mẫu báo cáo thường niên, mẫu báo cáo tình hình quản trị công ty…

Tuy nhiên, mức độ hướng dẫn chi tiết của các văn bản luật chưa sâu. Vì vậy, dù có khá đầy đủ các loại báo cáo nhưng đa phần báo cáo cung cấp thông tin còn chung chung. Điều này khiến NĐT đọc thông tin nhưng luôn cảm thấy thiếu.

TTCK nước ta còn non trẻ nếu so với các thị trường phát triển nhiều kinh nghiệm như Hoa Kỳ. Do vậy việc cải thiện chất lượng công bố thông tin đang là nhu cầu cấp thiết của NĐT nên sớm được đẩy mạnh thực hiện, bởi lợi thế của người đi sau luôn rút tỉa được kinh nghiệm của người đi trước. TTCK các nước trên thế giới đang tăng cường cạnh tranh thu hút các NĐT và tiến trình minh bạch hóa đã nhanh chóng đẩy mạnh chất lượng công bố thông tin.

Có thể lấy một thí dụ để minh chứng: Trong mẫu báo cáo thường niên, có thể nội dung cốt lõi và quan trọng nhất là đánh giá, phân tích của ban lãnh đạo về tình hình kinh doanh và tài chính của công ty. Tuy nhiên, đây là nội dung các nhà lãnh đạo thường hay trình bày sơ sài, mang tính chiếu lệ.

Thực tế ở Hoa Kỳ cho thấy, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã nhận thấy xu hướng giảm thiểu phần thảo luận và phân tích của ban quản trị (MD&A).

Do đó vào năm 2003, SEC ban hành hướng dẫn riêng về loại báo cáo này và đăng trên trang web của SEC. Qua tài liệu này, SEC nói rõ một cách chi tiết các nội dung ban quản trị của công ty phải thảo luận. Thậm chí, tài liệu còn gợi ý các nội dung và thiết kế trình bày theo mức độ quan trọng của thông tin.

Hoặc như việc công bố các kế hoạch kinh doanh trong tương lai cũng là nội dung được các NĐT quan tâm. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp niêm yết mạnh dạn công bố các kế hoạch kinh doanh, đa phần chỉ công bố kết quả doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.

Ngay trong Thông tư 52 vừa mới được ban hành cũng vỏn vẹn một dòng yêu cầu công bố: “Kế hoạch và định hướng của hội đồng quản trị”. Ở Hoa Kỳ, SEC có hướng dẫn việc công bố kế hoạch kinh doanh, theo đó các doanh nghiệp được khuyến khích ban hành các thông tin chi tiết về kế hoạch kinh doanh trong tương lai.

Thậm chí, Luật Tranh chấp chứng khoán cá nhân sửa đổi năm 1995 ở mục 102, nêu rõ: “Miễn trừ trách nhiệm cho các tuyên bố về kế hoạch tương lai”. Điều này có nghĩa, các công ty được pháp luật bảo vệ trong việc công bố các thông tin dự kiến. Bởi lẽ việc dự báo tương lai rất khó khăn, dễ sai lệch so với thực tế.

Đa dạng, phân loại, nghiêm minh công bố thông tin

Hiện nay ở những nước TTCK phát triển có nhiều mẫu công bố thông tin mà TTCK nước ta chưa có. Thí dụ mẫu công bố thông tin về kế hoạch mua lại cổ phiếu một cách chi tiết theo giá cả, khối lượng mua theo từng thời điểm. Hay mẫu công bố thông tin hồ sơ ủy quyền của cổ đông tại các đại hội thường niên.

Ở Hoa Kỳ, SEC ban hành chi tiết các mẫu hồ sơ ủy quyền, cũng như các quy định thời gian doanh nghiệp phải đăng tải các hồ sơ ủy quyền cho NĐT.

Tư vấn NĐT về các thông tin của doanh nghiệp niêm yết. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tư vấn NĐT về các thông tin của doanh nghiệp niêm yết. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Doanh nghiệp phải quy định rõ từng nội dung được ủy quyền theo mẫu của SEC. Sau đó, hồ sơ ủy quyền phải nộp lại cho SEC bình luận và xem xét mới được gửi đi cho các cổ đông. Ban giám đốc cũng phải chọn ngày gửi hồ sơ ủy quyền, ngày chốt, ngày tổ chức đại hội cổ đông…

Trong khi ở Việt Nam, các mẫu đăng ký ủy quyền đều do doanh nghiệp thiết kế với nội dung thường là ủy quyền toàn bộ mọi vấn đề. Cách làm này sẽ gây thiệt hại cho các cổ đông, vì NĐT không thể có ý kiến khác.

Một hạn chế nữa trong việc công bố thông tin trên TTCK nước ta là chưa có sự phân loại, yêu cầu khác nhau giữa các nhóm công ty. Điều này dễ hiểu vì ngay bản thân hoạt động của sàn giao dịch chứng khoán cũng đang rất “lộn xộn” với nhiều công ty có quy mô, chất lượng khác nhau cùng niêm yết.

Thật khó để yêu cầu các doanh nghiệp nhỏ cũng thực hiện các quy trình công bố thông tin như các doanh nghiệp lớn. Ở một số nước, việc công bố thông tin của công ty có tính đại chúng lớn, nhỏ và ở các sàn giao dịch là khác nhau. Công ty nhỏ sẽ có các quy định riêng và ít thông tin hơn so với công ty lớn.

Trong khi đó, chúng ta đánh đồng việc công bố thông tin cho các doanh nghiệp và các sàn giao dịch theo kiểu “một cỡ giày cho nhiều người”.

Một hạn chế khiến hoạt động công bố thông tin ở TTCK nước ta chưa được coi trọng là tính kỷ luật và chế tài xử phạt. Nếu nhìn sang vụ công ty Cavico bị hủy niêm yết ở sàn Nasdaq sẽ thấy sự nghiêm minh trong hoạt động công bố thông tin.

Chính vì vậy doanh nghiệp đôi khi chây ì vì hình phạt còn nhẹ. Mức độ xử phạt nhẹ cũng là nguyên nhân khiến các vụ mua bán chui cổ phiếu xảy ra liên tục trong thời gian gần đây, điển hình như vụ thâu tóm Sacombank. Mặt khác, tình trạng chây ì trong công bố thông tin lại khá phổ biến.

Tính đến hết ngày 20-7, toàn thị trường chỉ mới có 230/702 công ty niêm yết công bố báo cáo tài chính quý II-2012. Như vậy, các công ty còn lại chiếm 67% trễ hạn công bố theo quy định của Thông tư 52 mà chưa thấy một lời phát ngôn nào từ phía cơ quan quản lý thị trường.

Thúc đẩy hoạt động quan hệ NĐT

Hoạt động quan hệ NĐT (IR) là một cách tốt để tạo nên cầu nối thông tin giữa doanh nghiệp với các thành viên tham gia thị trường. Mặc dù việc IR xuất phát từ chính sự tự giác của doanh nghiệp, nhưng bản thân cơ quan quản lý cũng phải có những quy định thúc đẩy và hành lang pháp lý cho hoạt động IR.

Thí dụ ở Hoa Kỳ, Điều khoản 14a-17 của SEC cho phép các công ty niêm yết thành lập hoặc tự tạo các diễn đàn riêng cho NĐT.

Thúc đẩy hoạt động IR cần sự xúc tác từ các cơ quan chức năng cũng như hành lang pháp lý để hoạt động IR được hình thành và phát triển. Do vậy, các cơ quan quản lý cần năng động hơn, thành lập hiệp hội chuyên nghiệp của các chuyên viên IR ở các doanh nghiệp niêm yết, nhằm nâng cao ý thức và chất lượng công bố thông tin.

Theo điều khoản này, các công ty, cổ đông hoặc bên thứ ba làm việc cho công ty, hoặc đơn vị điều hành diễn đàn trực tuyến sẽ không chịu trách nhiệm về những bài viết của người khác đăng trên đó, cho dù họ là bên cung cấp phương tiện trao đổi. Quy định này xuất phát từ thực tế, các diễn đàn thông tin trực tuyến cũng là một kênh thông tin đối với các NĐT.

Tại đây, nhiều NĐT có thể thu nhận rất nhiều luồng ý kiến về doanh nghiệp. Không loại trừ khả năng chính nhân viên của công ty cũng là thành viên tham gia bình luận trên diễn đàn, với những bình luận trái ngược hoặc bất lợi cho doanh nghiệp.

Do đó, các doanh nghiệp thường có chính sách cấm các nhân viên tham gia vào diễn đàn trực tuyến (tất nhiên cấm được hay không lại là chuyện khác).

Trong khi đó, chúng ta có rất nhiều diễn đàn mạng, nhưng chưa có doanh nghiệp nào thành lập các diễn đàn mạng riêng để trao đổi thông tin phi chính thức với NĐT. Điều này do luật chưa cho phép các doanh nghiệp làm điều này.

Tạo cơ sở hành lang pháp lý để doanh nghiệp trao đổi thông tin qua website của mình cũng là điều chúng ta chưa thực hiện được. Nhiều website của các doanh nghiệp niêm yết còn rất yếu, khi truy cập chỉ có những thông tin hạn chế. Thậm chí, một số website rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”.

Ở nhiều nước TTCK phát triển, doanh nghiệp được khuyến khích trao đổi thông tin qua website, thí dụ các câu hỏi thường gặp như giới thiệu sơ lược về ban quản trị, lịch sự kiện…

Tại Hoa Kỳ, SEC đưa ra thông cáo truyền thông, cung cấp hướng dẫn về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các đường dẫn siêu liên kết trên website của công ty từ một bên thứ ba.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chịu tránh nhiệm với những thông tin được công bố bởi bên thứ ba nếu như doanh nghiệp chấp nhận thông tin đó.

Các tin khác