Phát triển TTCK bền vững (Bài 1)

Nâng cao vai trò cơ quan quản lý

 Nâng cao vai trò cơ quan quản lý

LTS: Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã bước sang tuổi 13, nhưng sự lớn mạnh của thị trường vẫn chưa được như mong đợi. Vẫn còn đó nhiều lực cản kìm hãm sự phát triển của thị trường. Việc tái cấu trúc nhằm nâng tầm TTCK phát triển bền vững là một nhiệm vụ cấp thiết bên cạnh hàng loạt động thái tái cấu trúc nền kinh tế, hệ thống ngân hàng đang được xây dựng và triển khai.

Nhiều chuyên gia cho rằng quá trình tái cấu trúc TTCK nên được bắt đầu từ chính cơ quan quản lý thị trường, bởi đây được ví như bộ não hoặc cơ sở hạ tầng của TTCK. Giống như sự vận động của bất cứ tổ chức nào, nếu thiếu người đứng đầu hoặc đường lối lãnh đạo sẽ không thể phát triển bền vững.

Minh bạch hóa hoạt động UBCKNN

Sở dĩ sự phát triển của TTCK còn chậm do thiếu một cơ quan quản lý năng động. Trên thực tế, cơ quan quản lý hoạt động của TTCK là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Tuy nhiên, theo Luật Chứng khoán, UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính và là cơ quan tham mưu cho Bộ Tài chính quản lý TTCK.

Việc quản lý TTCK ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập. Ảnh: LÃ ANH

Việc quản lý TTCK ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập. Ảnh: LÃ ANH

Bộ Tài chính mới là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK. Chính điều này tạo nên sự mâu thuẫn trong cách thức vận hành. Bởi UBCKNN tuy là cơ quan tham mưu nhưng lại trực tiếp nắm và quản lý TTCK chứ không phải Bộ Tài chính. Nói nôm na, cách thức quản lý của chúng ta là “người chịu trách nhiệm không nắm quyền quản lý, trong khi người tham mưu lại nắm quyền quản lý”.

Vì vậy, hoạt động của UBCKNN trong những năm qua còn bị động, UBCKNN không kịp thời ban hành những chính sách điều hành phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường vì cần sự phê duyệt của Bộ Tài chính.

Trong suốt quá trình 12 năm hoạt động, các sản phẩm tài chính trên TTCK rất ít thay đổi. UBCKNN luôn chậm hơn thị trường trong nhiều vấn đề. Thí dụ hoạt động margin, bán khống, các hợp đồng quyền chọn… Tuy đây là nhu cầu của giới đầu tư, nhưng nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã triển khai ngầm rất lâu trước khi cơ quan quản lý đưa ra văn bản hướng dẫn thực hiện.

Hay như việc rút ngắn thời gian giao dịch cũng “hẹn đi, hẹn lại” nhiều lần. Việc công bố thông tin sai lệch hay các biểu hiện làm giá cổ phiếu (CP) cũng không được xử lý triệt để… Không khó hiểu tại sao TTCK chậm đổi mới khi người chịu trách nhiệm quản lý là Bộ Tài chính lại đang rất bận rộn.

Hiện nay Bộ Tài chính nắm quá nhiều cơ quan, ngoài ngành chứng khoán, còn nắm cả Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)... Với quy mô lớn như vậy, thật khó cho người đứng đầu bộ này kịp thời có những chỉ đạo sát sao đến TTCK.

Nhìn từ các nước có TTCK phát triển

Thực tiễn trên thế giới cho thấy các cơ quan quản lý TTCK đều là cơ quan độc lập. Thí dụ Ủy ban Chứng khoán (UBCK) và giao dịch Hoa Kỳ (SEC) là cơ quan tương đương với các bộ và người đứng đầu cơ quan này do Tổng thống bổ nhiệm. Hay nếu nhìn sang các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc đều có cơ quan quản lý độc lập.

Cụ thể, UBCK Trung Quốc (CSRC) là cơ quan độc lập với Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của TTCK theo Luật Chứng khoán Trung Quốc. UBCK Malaysia có Đạo luật Secrities Commission Act 1993 (SCA) quy định các chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của ủy ban này.

Hiện nay, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo của nền kinh tế. Chưa có nhiều doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn từ TTCK đúng nghĩa. Do đó, cần thiết phải có những biện pháp mạnh mẽ nhằm phát huy vai trò của TTCK. Thực tiễn hoạt động của TTCK trong nhiều năm qua dù có nhiều cải tiến, nhưng vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp và nảy sinh nhiều tiêu cực, ảnh hưởng đến niềm tin của NĐT.

Theo SCA, UBCK Malaysia là một tổ chức độc lập bao gồm 9 thành viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ định, chịu trách nhiệm và báo cáo hàng năm trước Quốc hội và báo cáo này do Bộ Tài chính kiểm toán. Ngoài ra, UBCK Malaysia có quyền quản lý và thực thi pháp luật của 3 bộ luật lớn về ngành tài chính: Đạo luật Dịch vụ và thị trường vốn 2007 (CMSA); Luật Chứng khoán 1991 (SICDA) và SCA.

Trong đó, CMSA có mục đích bổ sung quyền hạn cho UBCK Malaysia ngoài các quy định theo SCA, nhằm đưa ra các biện pháp thúc đẩy nền tảng luật pháp, cải thiện hiệu lực kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư (NĐT). Luật còn đưa ra những quy định nhằm giúp UBCK Malaysia phối hợp với các cơ quan khác như Ngân hàng Trung ương, Ủy ban Dịch vụ tài chính…

Minh bạch hóa hoạt động của UBCK cũng là điều nên làm. Hiện nay Tổ chức quốc tế về UBCK (IOSCO) có đưa ra chuẩn 30 nguyên tắc đánh giá, đo lường tính khách quan và nguyên tắc về quy định chứng khoán. Hàng năm, UBCK của nhiều nước thường có đánh giá về mức độ triển khai 30 nguyên tắc trên theo 5 cấp độ: Triển khai hoàn toàn, triển khai mở rộng, triển khai một phần, không triển khai và không thể áp dụng.

Trong khi đó, ở Việt Nam chưa thấy báo cáo của UBCKNN về việc thực thi 30 nguyên tắc này. Trong 30 nguyên tắc nói trên, nguyên tắc số 2 chính là tính độc lập của UBCK.

Tổ chức lại sàn giao dịch

Hiện nay, TTCK trở nên kém hấp dẫn với NĐT quốc tế xuất phát từ rào cản lớn nhất là thanh khoản kém. Nguyên nhân là chất lượng hàng hóa còn kém và tốt xấu nằm lẫn lộn với nhau trên các sàn giao dịch.

Để làm điều này, việc tổ chức lại các sàn giao dịch rất quan trọng nhằm tạo cơ sở để tổ chức lại chất lượng các doanh nghiệp niêm yết và hình thành nên các nhóm NĐT, đặc biệt hướng tới hình thành các NĐT tổ chức. Giống như hoạt động thương mại hàng hóa, để quá trình giao thương được thuận lợi, việc trước tiên là lập chợ và phân loại các chợ.

Sau 12 năm TTCK Việt Nam hình thành và phát triển, cần thiết phải có những bước đi phù hợp với thông lệ quốc tế. Chúng ta chưa có nhiều quy định pháp lý cho hoạt động của UBCKNN, nên hoạt động còn bị giới hạn và khó phối hợp với nhiều cơ quan pháp luật khác để thực thi các hoạt động phát triển thị trường vốn. Đơn cử như việc cấp mã số giao dịch cho NĐT nước ngoài luôn bị vướng ở khâu lý lịch tư pháp, quản lý ngoại hối. Nếu UBCKNN là cơ quan độc lập và có những hướng dẫn để phối hợp với cơ quan khác, sẽ giúp dễ dàng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chống rửa tiền… Điều này cho thấy chỉ khi nào vai trò độc lập của UBCKNN được cải thiện và có được hành lang pháp lý đầy đủ hơn, mới phát huy tốt vai trò của mình trong việc tái cấu trúc hoạt động TTCK.

Trong mỗi mặt hàng của mỗi chợ cũng phân ra thành nhiều cấp độ, thí dụ trung tâm thương mại bán hàng điện tử cao cấp, hàng bình dân và hàng giá rẻ...

Tương tự, việc tổ chức lại các sàn giao dịch theo từng nhóm và từng cấp độ tiêu chuẩn sẽ tạo nên tính chuyên nghiệp của thị trường, đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề khác chẳng hạn như thanh khoản. Đây cũng chính là cách làm của các thị trường tài chính phát triển.

Ở Hoa Kỳ, các sàn giao dịch được chia ra thành từng loại với các tiêu chuẩn niêm yết khác nhau. Sàn Nasdaq là “chợ” của các doanh nghiệp ngành công nghệ.

Trong khi đó, sàn New York là sân chơi của các doanh nghiệp ngành công nghiệp. Tiêu chuẩn niêm yết ở sàn New York cao hơn so với sàn Nasdaq và sàn Amex về quy mô vốn, thị giá, mức độ doanh số, lợi nhuận, tính đại chúng, chuẩn mực công bố thông tin.

Những doanh nghiệp bị hủy niêm yết hoặc không đủ chất lượng niêm yết có thể giao dịch trên một hệ thống tương tự như sàn giao dịch gọi là Pink sheet. Trong khi đó, thực tiễn Việt Nam chưa cho thấy sự phân cấp trong các sàn giao dịch chứng khoán.

Tại HOSE, nhiều CP có thị giá cao, thanh khoản cao, chất lượng doanh nghiệp tốt, hoạt động quan hệ đầu tư của doanh nghiệp khá chuyên nghiệp, nhưng cũng có quá nhiều CP đúng nghĩa là “CP hạng ruồi”. Nhiều doanh nghiệp có thị giá và thanh khoản quá thấp, hoạt động kinh doanh luôn mập mờ.

Do đó, việc cấp thiết tổ chức lại các sàn giao dịch, như sàn HOSE sẽ là nơi dành cho các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Ở đây, tiêu chuẩn niêm yết và duy trì niêm yết sẽ rất cao về các khía cạnh thị giá, quy mô vốn, tính đại chúng, doanh thu lợi nhuận, dao động giá. Trên cơ sở này sẽ rất dễ để hướng dẫn thành lập các NĐT tổ chức và hạn chế các NĐT nhỏ lẻ. Các định chế tài chính quốc tế muốn mua “hàng Việt Nam chất lượng cao” có thể tham gia sàn này.

Cách làm này sẽ góp phần hạn chế tình trạng CP giá bèo như hiện nay. Vì với tiêu chuẩn niêm yết cao, các doanh nghiệp không thể chia thưởng, hoặc trả cổ tức bằng CP tràn lan khiến thị giá xuống thấp. Tất nhiên, phần thưởng dành cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chất lượng cũng cao hơn.

Thí dụ như thời gian giữa các đợt phát hành tăng vốn nhanh hơn, hoặc quy mô gọi vốn lớn hơn so với các sàn giao dịch khác. Điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cố gắng duy trì niêm yết để thuận lợi trong huy động vốn. Bên cạnh đó, các CP chưa kịp niêm yết (thị trường OTC) cũng nên sớm được tập trung lại thành sàn riêng trên UPCoM.

Các tin khác