Sôi động Vũng Áng

Nếu 3 năm trước, Khu kinh tế (KKT) Dung Quất của Quảng Ngãi nổi lên như một ngôi sao sáng về thu hút đầu tư, thì cũng bằng ngần ấy năm trở lại đây “ngôi sao” ấy đang bị lu mờ, nhường chỗ trước một Vũng Áng, Hà Tĩnh mới trỗi dậy.

Nếu 3 năm trước, Khu kinh tế (KKT) Dung Quất của Quảng Ngãi nổi lên như một ngôi sao sáng về thu hút đầu tư, thì cũng bằng ngần ấy năm trở lại đây “ngôi sao” ấy đang bị lu mờ, nhường chỗ trước một Vũng Áng, Hà Tĩnh mới trỗi dậy.

Rầm rộ thi công

Có thể nói, khơi mào cho làn sóng đầu tư vào Vũng Áng phải kể đến dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh. Với tổng vốn đầu tư lên đến 7,9 tỷ USD (giai đoạn 1) Công ty TNHH Gang thép Hương Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau khi được bàn giao hơn 3.000ha, đã lập tức bắt tay làm các tuyến giao thông trọng yếu phục vụ thi công đến khu cảng, khu sinh hoạt, đồng thời đóng ép cọc bê tông để phục vụ xây dựng các hạng mục của dự án...

Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý (BQL) KKT Vũng Áng, cho biết: “Công trình hút cát san lấp mặt bằng dự án Nhà máy Gang thép Formosa Hà Tĩnh có quy mô hơn 2.100ha với khối lượng hút cát 86 triệu m3, độ cao lấp bình quân 4m, đã được tiến hành từ tháng 3-2011 do nhà thầu Jan de Nual (Bỉ) thực hiện.

Hiện nay các đơn vị thi công đang nỗ lực tăng ca, kíp, huy động khoảng 1.000 nhân lực, thiết bị để đến ngày 30-4-2013 hoàn thành giai đoạn 1, bàn giao cho nhà đầu tư tiến hành xây dựng nhà máy liên hợp gang thép có công suất 7,5 triệu tấn/năm và sẽ được nâng lên 15 triệu tấn/năm”.

Cảng Vũng Áng.

Cảng Vũng Áng.

Cách cảng Sơn Dương vài trăm mét hàng nghìn lao động đang miệt mài trên công trường Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng. Trưởng Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Vũng Áng - Quảng Trạch, Phạm Văn Định, cho biết công trường đã trải qua 16 tháng thi công, tổng tiến độ xây dựng, lắp đặt nhà máy đang nằm trong tầm kiểm soát.

Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, KKT Vũng Áng đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất khu vực. Tuy nhiên, cơ sở vật chất để phục vụ cho việc đào tạo nguồn nhân lực còn rất thiếu thốn. Chính phủ cần ưu tiên Hà Tĩnh thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù, trong đó hỗ trợ cả về chính sách, nguồn lực để từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhà ở cho người lao động, thu hút người lao động làm việc tại KKT Vũng Áng…

Ông NGUYỄN KIM CỰ,
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Trong đó gói thầu EPC gồm thiết kế, chế tạo thiết bị đã hoàn thành trên 98% khối lượng công việc; công tác mua sắm, chế tạo thiết bị hoàn thành 94%; công tác thi công xây dựng đạt 66% khối lượng; tổng tiến độ dự án đạt 78,61%. Ở hạng mục quan trọng nhất của nhà máy thi công lắp đặt lò hơi số 1 nặng 7.500 tấn, sau khi đưa lò hơi số 1 vào vị trí, đã hoàn thành lắp đặt kết cấu thép phần mái che...

Hiện nay các công đoạn lắp đặt hàng loạt các loại ống, van, đường ống cấp than, đường dẫn gió và khói… cũng đang được gấp rút thi công. Đến nay đã hoàn thành lắp stato máy phát 1 và 2, lắp tuabin, rôto máy phát...

Hiện nay đã có 153 doanh nghiệp, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận đăng ký kinh doanh vào KKT Vũng Áng với số vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD, trong đó có các dự án lớn như tổng kho xăng dầu - dầu khí Vũng Áng, tổng kho khí hóa lỏng Bắc Trung bộ, cảng Vũng Áng.

Ngoài dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa, còn có các dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, vốn đầu tư 1,56 tỷ USD (1.200MW); khách sạn 5 sao - cao ốc văn phòng 78,6 triệu USD; khu du lịch dịch vụ hồ Tàu Voi 70 triệu USD; khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Vũng Áng 50 triệu USD; nhà máy lọc hóa dầu công suất 16 triệu tấn/năm (12,47 tỷ USD); nhà máy luyện thép công suất 2 triệu tấn/năm; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, công suất 1.200MW… là những dự án có quy mô đầu tư lớn đã và sắp được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Giải bài toán lao động

Dù sinh sau nhưng Vũng Áng không nằm ngoài áp lực chung so với các KKT đã thành lập trước đó là khan hiếm nguồn lao động phổ thông có tay nghề phục vụ yêu cầu các nhà đầu tư. Vậy nên, ngay từ khi mới ra đời, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, BQL KKT Vũng Áng đã bắt tay ngay vào liên kết với các trường đào tạo trên cả nước, đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn giúp các doanh nghiệp đào tạo nhân lực tại chỗ.

Theo BQL, KKT Vũng Áng hiện có khoảng hơn 10.000 lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Một số dự án trong KKT đã đi vào hoạt động đang sử dụng ít lao động, còn có doanh nghiệp có nhu cầu lao động lớn đang trong giai đoạn xây dựng, 3-4 năm tới khi các dự án lớn vận hành và khai thác, nhu cầu lao động đã qua đào tạo và có tay nghề cao sẽ rất lớn, dự báo hơn 70.000 người.

Những khó khăn của Hà Tĩnh đã được giải quyết phần nào khi từ năm 2010 ngân sách trung ương đã bố trí 423 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh thực hiện các nội dung liên quan đến công tác đào tạo nhân lực cho KKT Vũng Áng. Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đã phê duyệt danh mục nghề đầu tư trọng điểm giai đoạn 2011-2015, trong đó có đầu tư các trường của Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận nhằm đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn trong KKT; phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường năng lực dạy nghề bằng nguồn vốn ODA, vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Đức.

Các nhà trường đang tích cực tiếp cận với các doanh nghiệp, KKT tổ chức đào tạo, cung ứng nhân lực đáp ứng yêu cầu. Chỉ tính riêng các cơ sở dạy nghề trên địa bàn Hà Tĩnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 3.000 học viên phục vụ nhu cầu doanh nghiệp tại KKT Vũng Áng.

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế đặc thù về đào tạo nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng, sớm trình Thủ tướng phê duyệt. 

Các tin khác